Trung bình mỗi km, giá vé đường sắt cao tốc Bắc – Nam thấp hơn các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia…
Tàu Shinkansen đạt vận tốc 320 km/h với hệ thống phanh an toàn nhất thế giới. Ảnh: Fikri Rasyid.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 350 km/h đã được thống nhất chủ trương đầu tư với tổng vốn 67,34 tỷ USD. Toàn tuyến dài 1.541 km dự kiến hoàn thành vào năm 2035 và ước tính có thể giúp GDP tăng bình quân 0,97%/năm.
Theo dự thảo, giá vé sẽ bằng 75% giá vé máy bay trung bình, dao động từ 1,7 đến 6,9 triệu đồng. Mức này không có sự khác biệt lớn với các nước có điều kiện tương tự trong khu vực, thậm chí còn rẻ hơn.
Mức giá giữa các nước
Cụ thể, giá vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau.
Ở chặng Hà Nội – TP.HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng, hạng hai là 2,9 triệu đồng và hạng ba là 1,7 triệu đồng. Thời gian di chuyển giữa 2 khu vực dự kiến chỉ còn 5 tiếng 30 phút, nhanh gấp 6 lần đường sắt thông thường.
Thực tế, đường sắt cao tốc đã xuất hiện nhiều thập kỷ trước và là phương tiện di chuyển phổ biến ở nhiều nước. Trong đó, Trung Quốc hiện là quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với 42.000 km cao tốc trên cả nước.
Chặng Bắc Kinh – Thượng Hải với độ dài 1.318 km, kết nối 2 khu vực kinh tế chính của Trung Quốc, và là tuyến tàu cao tốc bận rộn và quan trọng nhất. Chặng này có 2 loại tàu vận hành song song, tốc độ tối đa 350 km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố xuống dưới 5 tiếng.
Giá vé tại đây được chia thành nhiều hạng, trong đó vé hạng hai có giá 570-660 nhân dân tệ (tương đương 2-2,3 triệu đồng), hạng nhất 960-1.000 nhân dân tệ (3,4-3,5 triệu đồng), và hạng thương gia 1.800-2.300 nhân dân tệ (6,3-8 triệu đồng).
Hệ thống đường sắt cao tốc dày đặc của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Trong khi đó, Nhật Bản nổi tiếng với hệ thống đường sắt cao tốc tân tiến và an toàn nhất thế giới khi sở hữu tàu cao tốc 320 km/h có thể phanh nhanh trong vòng 1,3 giây nếu có sự cố xảy ra.
Tuyến tàu dài nhất, với 674 km đường sắt nối khu vực Tokyo và Aomori (phía Bắc Nhật Bản), chỉ chạy trong vòng 3 tiếng 30 phút. Giá vé cho tuyến này được chia thành 3 hạng, trong đó hạng thường 17.470 yen (3 triệu đồng), hạng nhất 23.540 yen (4 triệu đồng), và ghế Gran Class 28.780 yen (5 triệu đồng).
Tuyến tàu nối 2 trung tâm kinh tế lớn của Nhật Bản là Tokyo và Osaka có giá vé vào khoảng 13.000-14.000 yen (2,2-2,4 triệu đồng), còn chặng Osaka – Hiroshima dài 331 km có giá vé khoảng 15.000-17.000 yen (2,6-2,9 triệu đồng).
Tại Hàn Quốc, tàu cao tốc KTX là phương tiện di chuyển nhanh và tiện lợi nhất với mức vé thay đổi theo thời gian tàu chạy. Xuất phát từ ga Seoul, vé đến Busan (dài 323 km) khoảng 59.800 won (1,1 triệu đồng), đến Daejeon (139 km) là 23.700 won (450.000 đồng), còn từ Seoul đến Dongdaegu rơi vào tầm 43.500 won (818.000 đồng).
Còn ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên vận hành đường sắt cao tốc, với tuyến Whoosh kết nối Jakarta và Bandung. Theo website của công ty vận hành, giá vé hiện tại là 225.000 rupiah (khoảng 355.000 đồng) cho hạng phổ thông, 450.000 rupiah (khoảng 710.000 đồng) hạng thương gia và 600.000 rupiah (khoảng 945.000 đồng) cho hạng nhất.
Trong khi đó, châu Âu, điển hình như Italy, lại đang thu hút người dân sử dụng tàu cao tốc với chiến lược giá rẻ.
Hãng đường sắt Italo đã tạo áp lực khiến hai “ông lớn” hàng không giá rẻ là Ryanair và EasyJet phải dừng khai thác tuyến bay giữa Rome và Milan, bởi hãng này đã chạy hàng chục chuyến tàu giữa 2 thành phố với giá vé khứ hồi chỉ 40 euro (hơn 1 triệu đồng), trong khi đó vé máy bay khứ hồi rẻ nhất là 79 euro (hơn 2 triệu đồng).
Cơ hội vàng từ đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Dù đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển lớn khi triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn đang chậm chân so với Campuchia và Lào, những quốc gia láng giềng đã phát triển thành công các tuyến cao tốc từ vài năm trước.
Song, theo TS Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, đây là thời điểm chiến lược để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Thay vì đối mặt với những hạn chế của cơ sở hạ tầng cũ như Nhật Bản và Pháp, Việt Nam có thể “nhảy cóc” và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí và bền vững hơn ngay từ đầu.
TS Majo George đánh giá tốc độ 350 km/h được đề xuất cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam là khá tham vọng, song vẫn khả thi và cần thiết về mặt chiến lược.
“Bằng cách tối ưu hóa các tuyến vận chuyển ở tốc độ 350 km/h, Việt Nam sẽ tăng cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả thương mại, và củng cố vai trò trung tâm logistics Đông Nam Á. Đồng thời, đây còn là ‘cơ hội vàng’ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông nhận định.
TS Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: RMIT Việt Nam.
Vốn đầu tư dự án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lấy chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, vốn huy động chi phí thấp và ít ràng buộc, không phụ thuộc nước ngoài.
Theo TS Majo George, Việt Nam nên tìm hiểu các quan hệ đối tác công tư (PPP) để giảm bớt gánh nặng tài chính.
“Bằng cách cho phép các doanh nghiệp tư nhân và công chúng đầu tư vào hệ thống đường sắt, Việt Nam có thể nhận được nhiều hơn sự quan tâm và đóng góp từ đại chúng, mà vẫn đảm bảo ổn định tài chính lâu dài”, ông nêu quan điểm.
Ông cũng khuyến nghị Chính phủ nên chia dự án thành các giai đoạn hoặc khu vực khác nhau, cho phép áp dụng chuyên môn quốc tế chuyên biệt cho từng phần. Phương pháp phân chia trách nhiệm này đảm bảo đầu ra chất lượng cao và đẩy nhanh tiến độ.
Chẳng hạn, Nhật Bản, chuyên gia về công nghệ, có thể giám sát một phân khúc với chuyên môn về đường sắt cao tốc. Trong khi đó, Đức, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ có thể quản lý các phân khúc khác dựa trên thế mạnh của họ. Sự tham gia này còn thúc đẩy hợp tác tài chính và kỹ thuật, tăng cường tính vững chắc cho dự án.
Ngoài ra, ông cho rằng tính bền vững cũng là một yếu tố cần được ưu tiên, bằng cách áp dụng công nghệ xanh và giảm tác động môi trường để phù hợp tiêu chuẩn toàn cầu và đảm bảo thành công dài hạn.
Znews.vn
Nguồn:https://znews.vn/gia-ve-duong-sat-cao-toc-bac-nam-re-hon-nhieu-nuoc-post1501504.html