Tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 3/7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay 6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 21 triệu khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ 2023 và vượt cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch Covid-19; tuy nhiên, khách nội địa chỉ đạt 17 triệu, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thiếu hụt đội tàu bay. Hơn 40 máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air, chủ lực là dòng A321, bị triệu hồi để bảo dưỡng do lỗi động cơ của nhà sản xuất. Bamboo Airways giảm còn chưa tới 10 máy bay do tái cơ cấu. Cùng với đó, lãnh đạo các hãng bay trong nước thừa nhận việc thuê tàu bay không hề dễ dàng.
Về mạng đường bay quốc tế, đến lịch bay mùa Hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.
Đáng chú ý, thị trường vận tải Trung Quốc đang dần hồi phục, dự kiến đạt 2,5 triệu khách trong 6 tháng đầu năm (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 62% so với cùng kỳ năm 2019) để trở lại vị trí thứ 2 trong số 10 thị trường quốc tế lớn nhất trong quý II/2024.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, dự kiến đạt 5,3 triệu khách trong 6 tháng qua.
Về đường bay nội địa, theo ông Đinh Việt Thắng, do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng bay trong nước phải điều chỉnh giảm cung ứng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vé máy bay bị đẩy lên cao chót vót. Dù các hãng đã nỗ lực thuê tàu bay, điều chỉnh lịch bay, tăng tải cung ứng – đặc biệt là các chuyến bay muộn và sáng sớm – trên các đường bay đông khách trong mùa cao điểm hè, nhưng thị trường nội địa vẫn giảm mạnh so cùng kỳ 2023 và 2019.
Chính vì vậy, mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng Hàng không Việt Nam bổ sung lực lượng vận tải và tăng tải cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa.
Các hãng cần tích cực làm việc với các đối tác cho thuê tàu bay trên thế giới để tìm kiếm tàu bay, bổ sung lực lượng vận tải, thay thế các tàu bay dừng khai thác vì lý do triệu hồi động cơ, đồng thời nghiên cứu tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa, các đường bay phục vụ du lịch.
Đối với giá vé, các hãng cần thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh cách thức hiển thị thông tin, làm rõ những khoản mục cấu thành mà khách hàng phải trả trong giá vé thể hiện, không gây nhầm lẫn cho hành khách trong khi mua vé.
Tại hội nghị, Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin, tới đây, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các hãng thực hiện các giải pháp để có nguồn cung không thấp hơn so 2023, như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sau 22h.
Ngoài ra, cơ quan này sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, đội máy bay của các hãng, đặc biệt các hãng đang thực hiện tái cơ cấu như Bamboo Airways, Pacific Airlines để đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, an ninh cũng như đảm bảo quyền lợi của hành khách.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-ve-cao-chot-vot-thieu-tau-bay-khach-noi-dia-di-may-bay-giam-gan-20-2298072.html