ANTD.VN – Với việc tăng mạnh tới 1,5 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC chốt phiên hôm nay đã thiết lập kỷ lục mới 78,2 triệu đồng/lượng.
Dù thị trường thế giới đang nghỉ lễ Giáng sinh, song giá vàng trong nước vẫn “sốt xình xịch”. Vàng miếng SJC liên tục được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng giá.
Tính đến 16h chiều nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã tăng giá vàng miếng tới 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Theo đó, giá thương hiệu vàng chuẩn quốc gia tại doanh nghiệp này đã thiết lập kỷ lục lịch sử mới, tại mức 77,20 – 78,22 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn DOJI tính đến cuối phiên cũng đã tăng thêm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 1,2 triệu đồng/lượng, lên 77,00 – 78,20 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tăng không ngừng nghỉ |
Tập đoàn Phú Quý tăng tới 1,3 triệu đồng /lượng chiều mua vào, tăng 1,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chốt phiên tại 77,10 – 78,20 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 77,20 – 78,20 triệu đồng/lượng…
Trong khi vàng SJC tăng dựng đứng thì vàng phi SJC lại chỉ tăng 100 – 200 nghìn đồng/lượng. Theo đó, giá vàng 99,99 đang duy trì quanh 62,00 – 63,15 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn đứng im ở mức gần 2.053 USD/ounce với vàng giao ngay khi thị trường đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Như vậy, so với vàng thế giới, giá vàng miếng SJC đã cao hơn tới hơn 16 triệu đồng/lượng.
Lý giải về cơn sốt giá vàng SJC, ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng chủ yếu do khan hiếm nguồn cung trong nước, xuất phát từ các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Theo quy định tại Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng SJC. Trong khi từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng, dẫn đến khan hiếm nguồn cung.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã lấy vàng SJC làm thương hiệu vàng chuẩn quốc gia, loại bỏ 6 thương hiệu vàng miếng còn lại, khiến nguồn cung vàng miếng khan hiếm.
Không chỉ vậy, việc không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.