ANTD.VN – Việc giá vàng mắc kẹt trong phạm vi hẹp tuần qua khiến các chuyên gia dường như khó đoán định hơn về triển vọng kim loại quý tuần tới.
Trong tuần trước, giá vàng thế giới mắc kẹt trong một phạm vi hẹp. Vàng giao ngay chốt tuần tại 2.010,5 USD/ounce, giảm 7 USD so với cuối tuần trước.
Trong nước, giá vàng SJC niêm yết cuối tuần quanh 66,55 – 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng mỗi lượng so với cuối tuần liền trước. Vàng 99,99 của SJC cũng tăng khoảng 200 nghìn đồng mỗi lượng, lên 56,35 – 57,53 triệu đồng/lượng.
Khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các nhà đầu tư bán lẻ vẫn lạc quan về vàng, với kỳ vọng giá có thể kiểm tra lại mức kháng cự ngay dưới 2.050 USD/ounce.
Cụ thể, có 57% các nhà đầu tư bán lẻ tin rằng giá kim loại quý này sẽ tăng trong tuần tới, 24% dự báo giảm và 18% còn lại trung lập.
Trong khi đó, các nhà phân tích Phố Wall thì chia rẽ với tỷ lệ dự báo tăng/giảm đồng đều nhau, cùng ở mức 42%; 16% còn lại quan điểm trung lập.
Giá vàng vẫn nhận được hỗ trợ trong dài hạn |
Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận giá vàng sẽ vẫn tăng trong dài hạn khi kim loại quý vẫn nhận được sự hỗ trợ cơ bản vững chắc do sự bất ổn kinh tế trên diện rộng.
Dù vậy, trong tuần tới, sự biến động do định vị đầu cơ có thể đẩy giá vàng xuống thấp hơn khi các nhà đầu tư phản ứng với diễn biến đồng đô la Mỹ.
Đáng nói, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh trong tuần tới sẽ là lành mạnh và không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến mức tăng đạt được trong 6 tháng qua. Mức hỗ trợ có thể ở mức 1.950 USD, nhưng lực mua bắt đáy sẽ xuất hiện trước mức giá này.
Niềm tin giá vàng tăng càng được củng cố khi nhìn vào giao dịch vàng tương lai khi hợp đồng vàng tương lai tháng 12 giao dịch trên mức 2.070 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 hiện đang giao dịch quanh mức 2.016 USD.
Như thế có nghĩa là các nhà đầu tư đang sẵn sàng trả giá cao hơn cho vàng vào cuối năm. Thị trường kỳ vọng điều kiện kinh tế yếu kém sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Tuần tới, thị trường tài chính tiếp tục dõi theo cuộc đàm phán về nâng trần nợ công của Mỹ. Cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra vào ngày 12/5 để đưa ra giải pháp cho vấn đề trần nợ, tuy nhiên nó đã được lui lại sang tuần sau.
Hạ nghị sỹ McCarthy nhấn mạnh việc dời lại cuộc họp không phải là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán gặp trở ngại, nhưng ông tin rằng các nhà đàm phán cần tiếp tục nói chuyện trước khi lãnh đạo gặp lại nhau.
Tuy nhiên, ông Kevin McCarthy chỉ trích Tổng thống Biden và Thượng nghị sỹ Schumer đang bế tắc, họ không có kế hoạch, không có khoản tiết kiệm được đề xuất.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Về kỹ thuật, nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 1/2023 với khoản nợ lên tới 31.400 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tại thời điểm đó đã phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang hiện ở mức 31.400 tỷ USD, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.