Vay 5.833 lượng vàng từ đầu năm 2009, lãi 10,8%/năm
Cổ phiếu APT của CTCP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn vừa bất ngờ có giao dịch trở lại sau một thời gian dài nằm im. Trong khi doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thua lỗ kéo dài cả thập kỷ.
Trong 4 tuần của tháng 12/2023, mỗi tuần APT ghi nhận 1 phiên có giao dịch khiêm tốn nhưng giá đều giảm sàn, đưa cổ phiếu này từ mức 3.800 đồng/cp trước đó xuống 1.900 đồng/cp.
Cổ phiếu APT giảm mạnh trong bối cảnh giá vàng trong nước tăng dữ dội, giá vàng miếng SJC vào ngày 26/12 lên đỉnh cao kỷ lục: 80,3 triệu đồng/lượng (giá bán ra).
APT hiện còn nợ Ngân hàng Sacombank (trước là nợ Ngân hàng TMCP Phương Nam – SouthernBank, sau đó được sáp nhập vào Sacombank) 5.833 lượng vàng theo hợp đồng từ năm 2009, đến nay gần như không có khả năng trả.
Theo báo cáo tài chính tới cuối năm 2022, APT còn khoản vay ngắn hạn hơn 504 tỷ đồng, trong đó có 103 tỷ đồng khoản vay bằng tiền kỳ hạn 12 tháng theo hợp đồng vào tháng 1/2009 với lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên, công ty chưa có khả năng trả nợ và còn tồn cho tới nay.
Một khoản nợ khác là 5.833 lượng vàng SJC với lãi suất vay 10,8%/năm theo hợp đồng với kỳ hạn 12 tháng. Đến nay, công ty cũng chưa có khả năng trả nợ.
Đầu năm 2009, giá vàng khoảng 18 triệu đồng/lượng, quy đổi ra tiền có giá trị hơn 100 tỷ đồng. Tới cuối năm 2020, giá trị của 5.833 lượng vàng đã được ngân hàng điều chỉnh lên hơn 249 tỷ đồng (tương đương khoảng 42,7 triệu đồng/lượng).
Tới cuối năm 2022, giá trị lô vàng mà APT nợ được nâng lên thành hơn 401,3 tỷ đồng (khoảng 68,8 triệu đồng/lượng). Và nếu tính theo mức giá đỉnh cao 80,3 triệu đồng vào cuối năm 2023, số nợ từ lô vàng mà APT vay đã leo thang thành trên 468 tỷ đồng.
Như vậy, Thuỷ hải sản Sài Gòn không chỉ phải trả lãi mà còn ghi nhận nợ gốc gia tăng chóng mặt vì giá vàng trong nước tăng cao.
Trong năm 2022, riêng khoản chi phí lãi phải trả ngân hàng của APT đã lên tới 55,7 tỷ đồng, chưa nói đến khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.
Đến cuối năm 2022, số tiền lãi vay chưa trả là gần 729 tỷ đồng, trong đó lãi vay vàng là 570 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lao dốc vì vàng, ngân hàng cũng lao đao
Thuỷ hải sản Sài Gòn có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – Satra (sở hữu 30%) và CTCP Tập đoàn Somo Việt Nam (41,09%).
Chủ tịch APT là ông Nguyễn Lâm Vinh Huy, từng làm Phó Tổng giám đốc SouthernBank. Năm 2009, khi APT vay SouthernBank, ông Trần Phát Minh là Phó Tổng giám đốc SouthernBank. Ông Minh sau đó từng được bầu là Chủ tịch ATP.
Tình trạng sức khỏe của APT rất bi đát. Doanh nghiệp này thua lỗ triền miên từ năm 2012 tới nay. Năm thua lỗ nhẹ là hơn 31 tỷ đồng, còn đều lỗ trên 100 tỷ. Riêng năm 2020, APT lỗ hơn 206 tỷ đồng. Tới cuối năm 2022, APT lỗ lũy kế 1.218,6 tỷ đồng, cao gấp gần 14 lần vốn điều lệ của công ty.
Tổng tài sản của Thủy hải sản Sài Gòn chỉ còn hơn 161 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả lên tới hơn 1.290 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2022, các khoản nợ ngắn hạn vượt 1.287 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với tài sản ngắn hạn (chỉ còn hơn 89 tỷ đồng).
Doanh nghiệp cũng không còn mấy giá trị khi âm vốn chủ sở hữu gần 1.129 tỷ đồng, tương đương mỗi cổ phiếu âm 128.300 đồng.
Giải trình vì đợt giảm sàn trong tháng 12/2023, bà Đỗ Ngọc Nga – Tổng giám đốc APT, cho rằng, giá cổ phiếu giảm do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, APT đang chịu áp lực nợ rất lớn, làm ra bao nhiêu lãi không đủ trả ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Thuỷ hải sản Sài Gòn ghi nhận doanh thu giảm mạnh xuống còn hơn 250 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp về bán hàng và dịch vụ vẫn đạt gần 45,5 tỷ đồng. Trừ chi phí bán hàng gần 29 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 12 tỷ, APT vẫn lãi vài tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản chi phí tài chính quá lớn lên tới hơn 147 tỷ đồng (trong đó, chi phí lãi vay gần 55,7 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại là gần 92 tỷ đồng) khiến APT lỗ gần 141 tỷ đồng trong cả năm 2022.
Hiện, APT còn nhiều xí nghiệp chế biến thực phẩm thủy sản, nuôi trồng thủy sản và chiết rót nước mắm cũng như xưởng đông lạnh tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Theo kiểm toán, tình trạng của APT cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc tin tưởng với sự hỗ trợ của chủ sở hữu (Satra và Somo), sự chấp thuận của ngân hàng trong việc tái cơ cấu vốn vay và kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, tình hình của doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Đây là lý do báo cáo tài chính cho năm tài chính 2022 vẫn được lập dựa trên giả định về hoạt động liên tục.
Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều ngân hàng cũng khốn khổ vì cho vay và kinh doanh vàng. Không ít ngân hàng thua lỗ nặng trong những năm 2012-2015.
Giữa năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chấm dứt huy động và cho vay vàng miếng đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tới giữa năm 2014, hàng trăm nghìn lượng vàng còn dư nợ, nằm trong các dự án sản xuất kinh doanh, chưa thể tất toán. Nhiều khoản vẫn còn tới ngày nay như trường hợp APT.
Có thể thấy, việc bóc tách vàng ra khỏi hoạt động của ngân hàng từ giữa năm 2013 đã chấm dứt nghiệp vụ vay mượn vàng đầy rủi ro kéo dài cả thập kỷ trước đó.
Thị trường vàng không còn những con “sóng thần” giá vàng sau khi NHNN trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, gần đây một vấn đề mới phát sinh là cung vàng thấp dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn.