Diễn biến thị trường vàng 3 tháng qua
Cuối năm 2023, giá vàng liên tục nhảy múa thất thường. Nếu như đầu tháng 12.2023, giá vàng trong nước niêm yết quanh ngưỡng 72,4 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 73,6 triệu đồng/lượng thì đến đầu giờ sáng 28.12.2023, vàng trong nước tăng lên quanh ngưỡng 78,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Như vậy, chưa đầy 1 tháng, giá vàng tăng tới hơn 6 triệu đồng/lượng.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng. Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý…
Sau chỉ đạo nóng của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng…
Kể từ đó, giá vàng trong nước liên tục biến động ở biên độ hẹp hơn. Tuy nhiên, chênh lệch mua vào – bán ra được các đơn vị kinh doanh niêm yết ở ngưỡng khá cao, trên 2,3 triệu đồng/lượng. Điều này gây nguy cơ thua lỗ cho nhà đầu tư.
Để dễ hiểu, sau khi mua vàng SJC với mức chênh lệch mua – bán 2,3 triệu đồng/lượng và lập tức bán lại cho cửa hàng, nhà đầu tư sẽ lỗ bằng mức chênh lệch này.
Mua vàng ngay hay đợi ngày vía Thần Tài lấy may?
Ít có năm nào, chênh lệch mua – bán vàng bị đẩy lên ngưỡng cao và duy trì trong thời gian dài như hiện nay. Thực tế hàng năm, chênh lệch mua bán vàng quanh ngưỡng 700.000 đồng/lượng.
Đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), mức chênh này mới bị đẩy lên ngưỡng trên dưới 1-1,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ một vài phiên sau đó, giá vàng nhanh chóng hạ nhiệt, chênh lệch mua – bán cũng giảm nhanh chóng.
Những phiên giao dịch gần đây, giá vàng thế giới liên tục lao dốc. Diễn biến này có thể tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Nhưng điều này chưa thể khẳng định, vì nhiều thời điểm giá vàng thế giới lao dốc nhưng vàng trong nước vẫn tăng cao.
Dù vậy, xu hướng chung là chênh lệch mua – bán vàng sẽ bị điều chỉnh tăng cao hơn vào ngày vía Thần Tài. Về cơ bản có thể nhận định, việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài có khả năng thua lỗ cao hơn.
Trong đời sống, nhiều người dân có quan niệm mua vàng đầu năm, đặc biệt là mua vàng vào ngày vía Thần Tài sẽ nhận được nhiều may mắn, tài lộc. Các đơn vị kinh doanh vàng bạc đá quý cũng đẩy mạnh truyền thông đợt này, vì vậy dù đối diện nguy cơ thua lỗ, không ít người vẫn quyết định mua vàng “cầu may”.
Thế nhưng giới chuyên gia đưa ra lời khuyên, không nên mua nhiều vàng vào ngày vía Thần Tài. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: “Nhiều người tin tưởng nếu mua vàng ngày Thần Tài sẽ được hỗ trợ, mang lại may mắn. Trong trường hợp này thì có thể mua. Song theo tôi, đây chỉ là quan niệm mê tín, xuất hiện thời gian gần đây. Vì vậy, nếu xác định mua vàng để đầu tư, làm của hồi môn… thì không nên mua vào ngày Thần Tài vì mua vào ngày này rất rủi ro.
Xét về góc độ kinh tế, mua vàng trước và trong ngày Thần Tài sẽ mang lại bất lợi cho nhà đầu tư. Thay vì chọn mua vàng vào ngày giá rất cao như vía Thần Tài, người mua nên lựa chọn thời điểm sau đó, khi giá vàng lao dốc để bắt đáy” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Giá vàng trong nước đang trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 76,55 triệu đồng/lượng; giá bán ra ở mức 78,85 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại DOJI ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 76,7 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 78,9 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC giảm từ 2,5 triệu đồng/lượng xuống mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới niêm yết lúc 14h45 trên Kitco ở ngưỡng 1.990,1 USD/ounce