29 lần lập đỉnh mới từ đầu năm nay
Trong phiên giao dịch 20/8 trên sàn New York (rạng sáng 21/8 giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng chóng mặt và xác lập kỷ lục mới: giá giao ngay có lúc vượt ngưỡng 2.530 USD/ounce (tương đương 77,2 triệu đồng/lượng). Giá vàng giao tháng 12 cũng lên tới 2.565 USD/ounce.
Đây là lần lập đỉnh thứ 29 của vàng kể từ đầu năm tới nay.
Vàng tăng giá quá nhanh, áp đảo nhiều loại tài sản khác, từ mức 1.820 USD/ounce hồi tháng 10 năm ngoái lên 2.530 USD, tương đương mức tăng 39%, khiến nhiều người lo ngại mặt hàng này sẽ quay đầu giảm sốc.
Trên thực tế, kể từ cuối năm 2023 tới nay, giá vàng đã nhiều lần lập đỉnh cao kỷ lục mới nhưng cũng có không ít lần điều chỉnh giảm mạnh. Sau khi vượt ngưỡng 2.400 USD/ounce, vàng có vài lần xuống trở lại dưới ngưỡng 2.300 USD/ounce.
Áp lực chốt lời mỗi khi tăng mạnh là điều thường thấy đối với mọi loại tài sản, hàng hóa, không ngoại trừ vàng.
Một vài dự báo cho rằng, vàng có thể điều chỉnh cả trăm USD mỗi ounce sau đợt tăng mạnh này; tuy nhiên phần lớn nhận định triển vọng vẫn rất tươi sáng cho mặt hàng kim loại quý.
Diễn biến giá vàng trong vòng 1 năm qua cũng cho thấy xu hướng đi lên là rất rõ ràng.
Vàng tiếp tục tăng mạnh những ngày qua và lên đỉnh cao mới là do đồng USD suy giảm khá nhanh, nhu cầu đối với vàng gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông và Ukraine cũng như lượng tiền dồi dào chưa có chỗ đầu tư của các tổ chức và quỹ trên thế giới.
Trong phiên giao dịch đêm qua, đồng USD tiếp tục giảm mạnh thêm 0,5% và lần đầu tiên kể từ cuối tháng 12/2023, chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – rơi xuống dưới ngưỡng 101,5 điểm.
Tới sáng 21/8, trên thị trường châu Á, chỉ số DXY xuống mức 101,4 điểm, so với mức 102,9 điểm hôm 16/8 và 106,25 điểm hồi cuối tháng 4.
Đồng USD giảm trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, dù lạm phát chưa thực sự về mức mong muốn. Nhiều nước đã cắt giảm lãi suất từ 1 tới 2 lần. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới.
Hiện tại, giới đầu tư quan tâm là lộ trình lãi suất của Fed sẽ như thế nào. Những manh mối tín hiệu chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ được làm sáng rõ hơn sau hội nghị Jackson Hole được tổ chức vào cuối tuần này tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole ở bang Wyoming.
Thị trường đang đánh cược vào khả năng Fed sẽ đẩy nhanh việc giảm lãi suất khi mà nền kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu xấu đi, trong khi lạm phát đã xuống ngưỡng 2,9%.
Vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, vàng sẽ còn tăng tiếp trong phần còn lại của năm và lên mức 3.000 USD/ounce (hơn 92 triệu đồng/lượng) trong năm tới.
Sabrin Chowdhury – Trưởng bộ phận Phân tích hàng hóa của BMI, cho rằng vàng đang là kênh trú bão an toàn. Đây là lý do khiến mặt hàng này liên tục lập kỷ lục mới trong năm 2024 và điều này còn tiếp diễn.
Theo chuyên gia của BMI, năm 2024 ghi nhận nhiều bất ổn đến từ những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, Ukraine – Nga và là năm có nhiều cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tại Mỹ.
Giá vàng được dự báo sẽ tăng tiếp theo những diễn biến “bồ câu” hơn về chính sách tiền tệ của Fed.
Trên FT, Chủ tịch Fed Chi nhánh San Francisco – bà Mary Daly – tin rằng lạm phát Mỹ đã được kiểm soát và cho hay đến lúc cân nhắc việc giảm lãi suất từ mức cao nhất 23 năm hiện nay, 5,25-5,5%. Bà kêu gọi Fed nên có một cách tiếp cận sáng suốt để đẩy lùi mối lo của các nhà kinh tế rằng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào thời kỳ giảm tốc mạnh.
Khi Fed bắt đầu cắt lãi suất, theo Sabrin Chowdhury, vàng sẽ lên mức 2.700 USD/ounce (tương đương 82 triệu đồng/lượng). Nhiều nhà phân tích khác cũng có cùng quan điểm giống như chuyên gia BMI.
Theo đó, lãi suất thấp hơn sẽ gây áp lực lên đồng USD. Đồng tiền của Mỹ sẽ giảm giá.
Trung Quốc được dự báo sẽ quay trở lại mua vàng sau vài tháng tạm ngừng không mua ròng. Trước đó, Bắc Kinh đã mua ròng vàng 18 tháng liên tiếp, chỉ tạm ngừng khi vàng liên tục lập kỷ lục cao.
Vàng còn được lực đỡ từ sức cầu tăng trở lại tại Ấn Độ khi nước này giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống 6%. Theo JPMorgan, doanh số bán hàng của chuỗi vàng trang sức Senco Gold tại Ấn Độ tăng 30% trong nửa đầu quý II, so với mức tăng 10% trong quý I. Dự báo nhu cầu vàng vật chất sẽ tăng thêm 50 tấn tại Ấn Độ trong nửa cuối năm nhờ thuế giảm.
Nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng đẩy mạnh mua vàng trong vài năm qua. Các quỹ ETF vàng phương Tây cũng đã mua ròng vàng.
Có thể thấy, sức cầu đối với vàng gia tăng không ngừng cho dù giá tăng lên.
Trong khi đó, chiến sự tại Trung Đông có thể bùng nổ và lan rộng ra nếu Iran và Israel không kiềm chế. Tại Ukraine, tình hình cũng rất căng thẳng khi quân đội Ukraine mở chiến dịch xuyên biên giới nhằm vào vùng Kursk, miền Trung nước Nga. Mỹ tăng sức ép mạnh mẽ lên nhóm vũ trang Palestine, trong khi Israel tiếp tục dọa xóa sổ Hamas.
Các chuyên gia đến từ Citi cho hay, vàng ở xu hướng đi lên trong 3-6 tháng tới và tin rằng vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025. Mức giá bình quân vàng giao ngay trong quý IV/2024 sẽ là 2.550 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng nhẫn ở mức cao. Giá vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC cũng như tại một số doanh nghiệp khác được bán ra quanh mức 77,4 triệu đồng/lượng vào sáng 21/8. Mức giá này chỉ cao hơn giá thế giới quy đổi tính tới rạng sáng 21/8 khoảng 500.000 đồng/lượng (so với mức chênh khoảng 3 triệu đồng vào cuối giờ chiều 12/8). Giá bán vàng miếng SJC chiều 21/8 ở mức 81 triệu đồng/lượng (giá bán).
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-vang-tang-ky-luc-sap-dao-chieu-lao-doc-hay-vot-len-dinh-cao-moi-2314021.html