Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên tăng điểm bùng nổ ngày 13/3 với chỉ số VN-Index tăng hơn 25,5 điểm (tương đương tăng 2,05%) lên 1.270,51 điểm. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm.

Tổng cộng, có 29 trong số 30 cổ phiếu thuộc nhóm trụ cột VN30 tăng giá, chỉ có VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là giảm nhẹ 300 đồng, xuống 102.200 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán đều tăng ấn tượng.

Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt tăng cho dù khối ngoại bán ra khá mạnh ở cổ phiếu Vinhomes (VHM) và cổ phiếu Vincom Retail (VRE).

Chốt phiên 13/3, cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 850 đồng, lên 45.000 đồng/cp; Vinhomes tăng nhẹ 250 đồng, lên 42.950 đồng/cp; còn Vincom Retail tăng 700 đồng, lên 25.900 đồng/cp.

Một số cổ phiếu khác cũng tăng mạnh như Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, thêm 2.200 đồng lên 80.900 đồng/cp; Ngân hàng ACB tăng 900 đồng, lên 27.650 đồng/cp; Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài tăng 1.800 đồng, lên 48.550 đồng/cp; Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng tăng 1.650 đồng, lên 37.950 đồng/cp…

Thanh khoản trên thị trường tiếp tục đứng ở mức cao, tổng cộng 28.900 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên 3 sàn, trong đó có gần 26.300 tỷ đồng trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

W-chungkhoan-tungdoan4-1277-2.jpg
Thị trường chứng khoán hút dòng tiền và tăng mạnh. Ảnh: Tùng Đoàn.

Giá trị giao dịch tỷ USD tiếp tục được duy trì bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút mạnh tiền về phiên thứ ba liên tiếp.

Thị trường chứng khoán bùng nổ trong bối cảnh giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong phiên giao dịch ngày 13/3 lao dốc, mất khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. Tỷ giá ổn định trở lại, trên thị trường tự do USD giảm 100-160 đồng xuống, còn 25.550 đồng/USD, so với đỉnh cao 25.700 đồng/USD ghi nhận hôm 11/3.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn ở mức rất thấp, 1,7%-4,7%/năm.

Giá vàng trong nước tụt giảm theo diễn biến điều chỉnh của giá vàng thế giới, sự hạ nhiệt của tỷ giá  trong nước và động thái hút tiền về của NHNN.

Trong ba phiên từ 11-13/3, NHNN đã hút tổng cộng gần 45.000 tỷ đồng thông qua đấu thầu tín phiếu. Trong mỗi phiên, NHNN đã chào bán thành công gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm.

Xu hướng hút ròng của NHNN diễn ra trong bối cảnh chênh lệch lãi suất đồng USD và lãi suất đồng VND ở mức cao, tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh từ cuối tháng 2.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đối với đồng VND hôm 8/3 được ghi nhận ở mức 0,77%/năm. Trong khi đó, lãi suất USD qua đêm liên ngân hàng ở mức 5,2%/năm.

Dòng tiền trực chờ vào chứng khoán

Cùng với việc tỷ giá USD/VND tự do hạ nhiệt và mức chênh giữa giá vàng trong nước với thế giới rất cao, hoạt động bán chốt lời diễn ra mạnh mẽ trên thị trường kim loại quý.

Tới cuối giờ chiều 13/3, giá vàng giảm khoảng 2,1 triệu đồng/lượng (bán ra) và giảm 2,6 triệu đồng/lượng (mua vào), xuống còn tương ứng 80,7-78,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng bốc hơi khoảng 2,7-2,8 triệu đồng/lượng so với hôm 11/3, xuống còn 66,55 triệu đồng/lượng (mua) và 68,15 triệu đồng/lượng (bán), với vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu.

chungkhoan1.gif
Ngày 13/3 Ngân hàng Nhà nước hút thêm gần 15.000 tỷ đồng.

Giá vàng bốc hơi nhanh còn bởi giá vàng quốc tế giảm từ mức 2.175 USD/ounce phiên trước xuống 2.159 USD/ounce vào chiều 13/3 (giờ Việt Nam).

Vàng thế giới giảm sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn so với kỳ vọng. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng 1 đầu năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 5 tháng. Nhiều người lo ngại, với dữ liệu này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hoãn việc cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm. 

Trái ngược với vàng, dòng tiền lại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán và kéo cổ phiếu nhiều nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản… tăng mạnh.

Ông Lê Quang Trí – Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt – cho rằng, dòng tiền vẫn đang chực chờ đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào các chính sách điều hành của Chính phủ. Theo ông Trí, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt trong trung và dài hạn.

Trên một talkshow gần đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán BIDV (BSC), nhận định, chỉ số VN-Index có thể lên 1.400 điểm trong năm 2024 và nhóm cổ phiếu ngân hàng tiềm năng dẫn dắt thị trường.

Dòng tiền vào chứng khoán hiện khá mạnh, mỗi phiên đều duy trì đều đặn trên ngưỡng tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều người còn ái ngại vì khối ngoại vẫn bán ròng. Trong phiên ngày 13/3, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 500 tỷ đồng trong phiên VN-Index tăng 25 điểm. Một số mã bị bán mạnh gồm: Vinamilk (VNM), Vinhomes, Gelex (GEX)…

Giá vàng vọt lên đỉnh lịch sử, tỷ USD trao tay trên thị trường chứng khoánCả tỷ USD giá trị cổ phiếu được trao tay trên thị trường chứng khoán mỗi phiên trong bối cảnh giá vàng vọt lên đỉnh lịch sử và tỷ giá leo thang. Nhóm cổ phiếu Vin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng nhiều mã ngân hàng… giảm mạnh.