Giá vàng SJC tăng gần 1 triệu đồng/lượng
Cuối tuần trước, giá vàng SJC trải qua nhiều phiên biến động rất lớn, khi tăng mạnh lúc giảm sâu nhưng xu hướng chính vẫn là liên tục lập các kỷ lục mới. Đóng cửa tuần, chỉ duy nhất Tập đoàn Doji giữ được mốc 77 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Sang tuần mới, đầu phiên, vàng SJC khá tĩnh lặng khi các nhà vàng bắt đầu tuần mới ở mức giá của tuần trước. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng, giá vàng SJC tăng theo giờ và đạt tới 77,6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tới giờ nghỉ trưa, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức: 76,50 triệu đồng/lượng – 77,60 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra giảm từ 1,3 triệu đồng/lượng xuống 1,1 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 600.000 đồng/lượng lên 76,50 triệu đồng/lượng – 77,50 triệu đồng/lượng. Giá bán ra vàng SJC tại Công ty SJC cao hơn giá mua vào 1 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ điều chỉnh giá vàng SJC tăng 550.000 đồng/lượng lên 76,60 triệu đồng/lượng – 77,50 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào tại PNJ giảm từ 1 triệu đồng/lượng xuống 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng gần 700.000 đồng/lượng lên 76,60 triệu đồng/lượng – 77,60 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào vàng SJC tại công ty này tăng từ 950.000 đồng/lượng lên 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phi SJC có tốc độ tăng chậm hơn vàng SJC. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long được mua bán ở mức: 62,47 triệu đồng/lượng – 63,42 triệu đồng/lượng. Tại Công ty PNJ, giá vàng PNJ được niêm yết ở mức: 62 triệu đồng/lượng – 63,15 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, giá vàng SJC và giá vàng phi SJC cùng nhau đứng ở vị thế cao nhất mọi thời đại.
Vàng SJC đắt kỷ lục so với vàng thế giới
Giá vàng SJC tăng mạnh trong bối cảnh các thị trường lớn đang nghỉ Giáng sinh. Đóng cửa cuối tuần trước, giá vàng thế giới dừng ở mức 2.069 USD/ounce. Ở mức giá này của vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 61,68 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới gần 16 triệu đồng/lượng. Đây là chênh lệch lớn nhất giữa hai thị trường trong năm 2023.
Dù đang “yếu thế” so với giá vàng SJC nhưng giá vàng thế giới vẫn được dự báo bứt phá trong năm 2024.
James Hyerczyk, chuyên gia phân tích kỹ thuật, nhà giao dịch của Fxempire nhận định trong suốt năm 2023, thị trường vàng đã trải qua một loạt các sự kiện quan trọng trên toàn cầu ảnh hưởng lớn đến giá trị của vàng. Nổi bật trong số này là cuộc khủng hoảng ngân hàng và căng thẳng địa chính trị.
Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và những thất bại tiếp theo của ngân hàng, một phần trong làn sóng lớn nhất của những sự kiện như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã gây ra làn sóng đổ xô tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Điều này dẫn đến giá vàng tăng vọt trên 2.000 USD. Đồng thời, căng thẳng leo thang từ cuộc xung đột Israel-Hamas càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng.
Tác động kép của khó khăn hệ thống tài chính và bất ổn địa chính trị đã nhấn mạnh vai trò của vàng như một khoản đầu tư ổn định trong thời kỳ hỗn loạn.
Hướng tới năm 2024, nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục mở rộng nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và đầu tư tư nhân bền vững. Các tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy sự thay đổi theo hướng chính sách tiền tệ phù hợp hơn, trong bối cảnh lạm phát giảm bớt. Môi trường tiền tệ đang phát triển này sẵn sàng ảnh hưởng đến thị trường vàng, khi các nhà đầu tư điều chỉnh lại chiến lược của họ để ứng phó với bối cảnh kinh tế đang thay đổi.
Trong trường hợp suy thoái kinh tế toàn cầu, hiệu suất lịch sử của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn thường chứng kiến nhu cầu về vàng tăng lên. Các nhà đầu tư thường tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả trong danh mục đầu tư của họ và vàng thường được chọn vì tính ổn định và tiềm năng tăng trưởng trong các thị trường đầy biến động.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế và căng thẳng ở Trung Đông sẽ khiến giá vàng thế giới tăng lên 2.500 USD/ounce. Ở mức giá này của vàng thế giới, với điều kiện chênh lệch giữa hai thị trường không đổi, giá vàng SJC có thể đạt tới 90,6 triệu đồng/lượng trong năm 2024.