Giá vàng SJC tăng 1,6%
Thời gian qua, thị trường chứng kiến sức mạnh vượt trội của vàng SJC. Bất chấp giá vàng giảm sâu, có thời điểm mất mốc 1.900 USD/ounce, giá vàng SJC vẫn đi lên đáng kể và chinh phục thành công mốc 68 triệu đồng/lượng. Trong phiên cuối cùng của tháng 8, kim loại quý này vẫn duy trì được mốc cao.
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu “chốt” tháng 8 ở mức: 67,67 triệu đồng/lượng – 68,25 triệu đồng/lượng, tăng 1,09 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tương đương 1,64% và tăng 1,07 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương đương 1,59% so với phiên cuối cùng của tháng 7.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, giá vàng SJC “đóng cửa” tháng 8 ở mức 67,65 triệu đồng/lượng – 68,25 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng sau 1 tháng giao dịch.
Tại Tập đoàn Doji và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ, SJC có giá mua vào thấp nhất (67,60 triệu đồng/lượng) và giá bán ra cao nhất (68,30 triệu đồng/lượng). Chính vì vậy, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại Doji và PNJ cũng cao nhất, đạt 700.000 đồng/lượng.
Như vậy, sau một thời gian cứ mua vào và thua lỗ, trong tháng 8 vừa qua, người mua vào vàng bắt đầu có lãi. Nếu mua vào vàng hồi cuối tháng 7 thì hiện tại, nhà đầu tư đã lãi khoảng 500.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng phi SJC có tốc độ đi lên chậm hơn rất nhiều.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long tăng 56,36 triệu đồng/lượng – 57,21 triệu đồng/lượng, 130.000 đồng/lượng, tương đương 0,23% ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tại Công ty PNJ, giá vàng PNJ giao dịch ở mức 56,30 triệu đồng/lượng – 57,50 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vàng PNJ tại PNJ đứng ở mức rất cao, lên đến 1,2 triệu đồng/lượng. Đây là rủi ro cho người mua vào vàng.
Giá vàng thế giới giảm 2,4%
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới đóng cửa tháng 8 ở mức thấp ghi nhận một tháng giảm giá nữa, sau khi lạm phát ở Mỹ như mong đợi và số lượng việc làm yếu hơn đã củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay.
Cụ thể, trong phiên cuối cùng của tháng 8, giá vàng giảm 0,36% ở mức 1.965,9 USD/ounce và kết thúc tháng ở mức thấp hơn 2,16%, ghi nhận tháng âm thứ ba trong bốn tháng qua.
Ở mức 1.965,9 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 56,13 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 12,15 triệu đồng/lượng. Hồi đầu năm 2023, mức chênh này thấp hơn, đạt khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, giá vàng SJC đang có xu hướng đắt đỏ hơn giá vàng thế giới.
Lạm phát được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,2% trong tháng trước, phù hợp với mức tăng của tháng Sáu. Trong 12 tháng tính đến tháng 7, chỉ số giá PCE đã tăng 3,3%, sau khi tăng 3,0% trong tháng 6.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của đất nước, đã tăng tốc trong tháng 7.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm 4.000 xuống còn 228.000. So sánh với mức trung bình bốn tuần là 237.500.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết mặc dù những con số này “không khủng khiếp” nhưng chúng cũng “không lớn” và có thể có nghĩa là FED sẽ có khả năng tạm dừng tăng lãi suất vào đầu năm tới.
Haberkorn cho biết thêm, vàng hiện đang ở chế độ chờ và theo dõi và lợi suất trái phiếu giảm có thể thúc đẩy giá vàng thỏi tăng lên.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ít thay đổi và giảm nhẹ, trong khi đồng đô la giảm nhẹ mức tăng trong thời gian ngắn trước khi tăng trở lại sau dữ liệu kinh tế.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, mức đặt cược vào việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 đứng ở mức 88,5%, trong khi đặt cược về việc tạm dừng vào tháng 11 là 56%.
Bạc giảm 1,16% xuống 24,81 USD/ounce, sau khi leo lên mức cao nhất hơn một tháng vào thứ Tư.
Bạch kim giảm 0,91% xuống còn 974,4 USD và ghi nhận mức tăng hàng tháng thứ hai liên tiếp.