ANTD.VN – Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến của Mỹ đã đẩy giá vàng thế giới giảm, theo đó, vàng trong nước cũng quay đầu lao dốc sau nhiều phiên tăng liên tiếp.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, các doanh nghiệp vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh cả đối với giá vàng SJC lẫn vàng nhẫn, sau phiên tăng mạnh hôm qua.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào – bán ra ở mức 80,00 – 82,00 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra.
Mức giảm ở các doanh nghiệp khác dù ít hơn, song mặt bằng giá cũng thấp hơn một chút so với Công ty SJC.
Tại Tập đoàn DOJI, vàng miếng giảm 100 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra, xuống 79,90 – 81,90 triệu đồng/lượng.
PNJ giữ nguyên chiều mua vào, giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, niêm yết tại 80,10 – 82,20 triệu đồng/lượng;
Bảo Tín Minh Châu giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang giao dịch tại 80,00 – 81,95 triệu đồng/lượng;
Tại Phú Quý, mức giảm là 100 nghìn đồng /lượng ở cả 2 chiều, niêm yết 79,90 – 81,90 triệu đồng/lượng…
Giá vàng nhẫn hôm nay giảm sâu |
Đáng kể hơn là mức giảm của vàng nhẫn khi các doanh nghiệp đồng loạt giảm tới trên dưới 1 triệu đồng mỗi lượng.
Theo đó, vàng nhẫn 9999 của SJC đang niêm yết tại 68,00 – 69,30 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu 68,78 – 70,08 triệu đồng/lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 68,30 – 69,50 triệu đồng/lượng…
Như vậy, so với mức đỉnh đạt được trong phiên hôm qua là trên 71 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp hôm nay đã mất tới khoảng 1,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước lao dốc trong bối cảnh vàng thế giới điều chỉnh mạnh sau chuỗi phiên tăng miệt mài trước đó. Hiện tại, giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh 2.160 USD/ounce, giảm gần 24 USD trong phiên.
Thủ phạm khiến giá vàng quay đầu chính là báo cáo lạm phát quan trọng của Hoa Kỳ được đưa ra ấm hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường.
Bản báo cáo được chờ đợi do Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/3 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,4% trong tháng 2 so với tháng 1 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng tháng phù hợp với dự báo, nhưng mức tăng cả năm cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
CPI lõi, thước đo không bao gồm hai nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn và thường xuyên về giá cả là năng lượng và thực phẩm, tăng 0,4% theo cơ sở tháng và 3,8% theo cơ sở năm. Hai mức tăng này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
Dù đã giảm khoảng 2/3 so với mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ trên 9% thiết lập vào giữa năm 2022, lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao gần gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Những con số cho thấy lạm phát có chiều hướng giảm chậm lại và trở nên dai dẳng hơn.
Càng nhạy cảm hơn khi dữ liệu này được công bố vào lúc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới chuẩn bị cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ sau 1 tuần nữa. Điều này làm những kỳ vọng về việc giảm lãi suất của Fed trong mùa hè này bị đẩy lùi.
Đồng USD nhích nhẹ sau dữ liệu này, trong khi hoạt động bán chốt lời được kích hoạt trên thị trường vàng.