Một tuần giá vàng thế giới tăng kỷ lục 5%
Trên các diễn đàn vàng như “Diễn đàn vàng Việt Nam”, “Diễn đàn vàng Sài Gòn” những ngày gần đây, thông tin được nhiều tài khoản chia sẻ nhất chính là câu chuyện giá vàng Việt Nam tăng vọt theo đà tăng của giá vàng thế giới, đặc biệt là vàng nhẫn.
Có tài khoản còn chia sẻ, sau nhiều băn khoăn bởi giá vàng “nhảy múa”, khi quyết định xuống tiền mua vàng nhẫn trong ngày 5.4, thậm chí còn phải “năn nỉ để người ta bán cho vì số lượng không có nhiều để bán”.
Ghi nhận của Thanh Niên, sáng nay 6.4, giá vàng thế giới lẫn trong nước tăng vọt. Cụ thể, giá vàng thế giới lập kỷ lục mới ở mức 2.330,2 USD/ounce, cao hơn 30 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng nhẫn trong nước cũng lên mức kỷ lục với giá bán ra cao nhất trên thị trường là hơn 73 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji bán vàng nhẫn trơn (Hưng Thịnh Vượng) với giá 73,45 triệu đồng/lượng, trong khi mua vào 72 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, chia sẻ có phần hơi ngạc nhiên trước mức độ tăng nhanh của giá vàng thế giới cũng như giá vàng nhẫn trong nước.
“Giá vàng thế giới tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bất ổn địa chính trị trên thế giới tác động lớn tới quyết định của các nhà đầu tư. Các ngân hàng T.Ư cũng gia tăng mua vàng. Chỉ tính riêng trong tuần này, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 5%. Mức tăng này là rất lớn bởi nhiều khi suốt cả năm, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 15%”, ông Khánh nói.
Ông Khánh nhìn nhận, sáng nay giá vàng nhẫn lên mức hơn 73 triệu đồng/lượng là con số kỷ lục; trong khi giá vàng SJC khoảng 82 triệu đồng/lượng là mức tăng bình thường, bởi tại thời điểm đầu tháng 3, giá vàng SJC cũng đã đạt mức này.
Về nguyên nhân giá vàng SJC không biến động quá lớn mà giá vàng nhẫn trong nước tăng vọt, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam lý giải, giá vàng nhẫn trong nước theo sát giá vàng quốc tế hơn.
Từ trước tới nay, khoảng cách giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới đã rất lớn (có thời điểm lên tới 18 – 20 triệu đồng/lượng). Sau khi có hàng loạt chỉ đạo của Thủ tướng thời gian gần đây về bình ổn thị trường, rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước cũng có một số động thái nhất định.
Do đó, giá vàng SJC hiện chỉ chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
“Nhiều người lo ngại sắp tới khi có điều chỉnh chính sách liên quan, vàng SJC sẽ mất giá nên bán đi, dồn tiền mua vàng nhẫn. Có sự dịch chuyển nhu cầu mua vàng tích trữ từ vàng SJC sang vàng nhẫn khiến cầu tăng cũng là một trong những yếu tố đẩy giá vàng nhẫn tăng cao”, ông Khánh nói.
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng chia sẻ, thiếu nguồn cung nguyên liệu sạch để sản xuất vàng trên thị trường cũng có thể là yếu tố góp phần đẩy giá vàng nhẫn lên cao.
Ông Khánh khẳng định, gần đây, những vụ án buôn lậu được phát hiện có liên quan đến nhiều tiệm vàng khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu. “Doanh nghiệp đương nhiên phải dè dặt hơn trong nhập nguyên liệu vàng bởi không cẩn thận là trở thành tiếp tay cho buôn lậu”, ông Khánh nói.
Giá vàng nhẫn có thể lên 77 – 78 triệu đồng/lượng
Với đà tăng hiện tại của giá vàng, ông Khánh đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới có thể lên 2.600 USD/ounce. Theo đó, giá vàng nhẫn trong nước có thể tăng lên mức khoảng 77 – 78 triệu đồng/lượng và giá vàng SJC lên khoảng 90 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, nếu từ nay tới cuối năm, chính sách được điều chỉnh kịp thời khi sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng, bỏ độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng miếng thậm chí có thể giảm so với hiện tại, về mức 80 triệu đồng/lượng.
Nhắc tới câu chuyện cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố, cùng một lúc phải đồng bộ các giải pháp.
Thị trường vàng Việt Nam phải liên thông với thị trường vàng thế giới, loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách.
“Phải dẫn chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng có nhiều sản phẩm phái sinh, tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế. Sửa Nghị định 24 phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức”, ông Long nói.
Nhấn mạnh chống “vàng hóa” không thể bằng giải pháp hành chính, theo ông Long, phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng như chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh… trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến khác. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng…
Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28.3 do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Sau khi nghe các ý kiến, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.