Theo đó, có 3 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng trúng thầu 34 lô (3.400 lượng vàng) với một giá duy nhất, 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu để đặt cọc 750.000 đồng/lượng. Số vàng chưa đấu hết trong phiên lên tới 13.400 lượng.
Điểm khác biệt lớn nhất của phiên đấu thầu này là khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương 700 lượng, giảm 1/2 so với quy định ở 4 phiên trước đó. Khối lượng đặt thầu tối đa vẫn là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Lãnh đạo một công ty vàng cho biết trong phiên ngày 8-5, có tổng cộng 10 đơn vị tham gia đấu thầu nhưng kết quả chỉ có 3 đơn vị trúng thầu. Đáng chú ý là mức giá trúng thầu cao hơn so với giá mua vào của các công ty vàng trong ngày (85,3 triệu đồng). Như vậy, sau 5 phiên đấu thầu, chỉ có 2 phiên tổ chức thành công với tổng lượng vàng bán qua kênh đấu thầu là 6.800 lượng vàng.
Sau phiên đấu thầu, giá vàng miếng SJC lại được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đẩy lên lại đỉnh lịch sử tại 87,5 triệu đồng/lượng bán ra và 85,2 triệu đồng/lượng mua vào, tăng 200.000 đồng so với buổi sáng. Mức giá này cao hơn vàng thế giới trên 16 triệu đồng.
Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy phân tích nguyên nhân khiến giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới là do nhu cầu mua vào vàng miếng của người dân lớn trong khi đó nguồn cung vẫn còn rất hạn chế. Hoạt động đấu thầu vàng giúp tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường, từ đó kéo giá vàng trong nước về gần hơn với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, hầu hết phiên đấu thầu vàng lại không thành công.
“Giá tham chiếu của phiên đấu thầu được NHNN đưa ra quá cao gây khó cho các doanh nghiệp vàng trong giai đoạn thị trường trong nước và quốc tế đầy biến động như hiện tại. Nghiệp vụ kinh doanh vàng miếng có biên lợi nhuận rất thấp nhưng rủi ro lại rất cao do giá biến động mạnh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vàng ưu tiên nguồn lực cho mảng kinh doanh vàng trang sức” – ông Lê Xuân Huy phân tích.
Để việc đấu thầu vàng miếng được hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng NHNN nên hạ mức giá tham chiếu để tăng sức hấp dẫn với các đơn vị tham gia. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp này hạ giá bán vàng miếng.
Cũng theo chuyên gia Lê Xuân Huy, NHNN có thể nghiên cứu phương án phân phối vàng miếng ra ngoài thị trường qua một đơn vị trung gian, thay vì thực hiện đấu thầu như hiện tại. Đồng thời, cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng bởi đây là nhu cầu cấp thiết và từ nhiều năm nay chưa có đơn vị nào được thực hiện.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-vang-mieng-sjc-neo-cao-sau-dau-thau-196240508210726108.htm