Vàng giảm nhiệt
Kết thúc ngày 20/2, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 75,9-78,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 400.000 đồng chiều bán và 500.000 đồng chiều mua so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch 2 chiều mua – bán hiện là 2,3 triệu đồng mỗi lượng. Trước đó, phiên giao dịch ngày vía Thần tài (19/2), chênh lệch 2 chiều mua – bán tại các thương hiệu vàng lên tới 3 triệu đồng.
Vàng nhẫn đang được niêm yết tại 63,2-64,6 triệu đồng/lượng (mua – bán), không thay đổi so với hôm qua song so với phiên ngày vía Thần tài, mỗi chiều đã giảm 200.000 đồng mỗi lượng.
Trên thị trường quốc tế, vàng giao dịch quanh mức 2.023 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, kim loại quý tương đương 60 triệu đồng/lượng. Theo đó, mỗi lượng vàng miếng trong nước cao hơn khoảng triệu đồng còn vàng nhẫn neo cao hơn 4,4 đến 5 triệu đồng so với thế giới.
Giá vàng giao thế giới hiện thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh lịch sử 2.135 USD/ounce hồi tháng 12/2023, song các nhà phân tích tại Ngân hàng Citi cho rằng vàng có thể lên 3.000 USD/ounce trong 12-18 tháng tới.
Xu hướng phi đô la hóa tại ngân hàng trung ương các nước mới nổi tăng tốc được cho là sẽ thúc đẩy giá vàng đạt mức 3.000 USD. Việc này có thể khiến lực mua vàng của các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi. Trang sức vẫn là lực đẩy chính cho nhu cầu vàng. “Xu hướng này đang diễn ra, nhưng khá chậm. Nếu được đẩy nhanh, khủng hoảng niềm tin vào USD sẽ diễn ra”, Aakash Doshi – trưởng nhóm phân tích hàng hóa khu vực Bắc Mỹ của Ngân hàng Citi – cho biết.
Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) hồi tháng 1 cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua ròng hơn 1.000 tấn vàng năm thứ 2 liên tiếp. Aakash Doshi nói: “Nếu con số này gấp đôi, chúng tôi cho rằng đây sẽ là lực đẩy lớn cho giá vàng”.
Còn với điều kiện bình thường, đơn vị này dự báo giá vàng giao dịch trung bình quanh 2.000-2.150 USD/ounce nửa cuối năm nay. Ngân hàng Citi thậm chí kỳ vọng giá lập đỉnh mới vào cuối năm.
Giá USD tự do vẫn cao
USD-Index – chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – duy trì ở mức 104,2 điểm, tăng 2,83% so với đầu năm.
Tỷ giá trung tâm kết thúc phiên hôm qua được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.988 đồng/USD, tăng 9 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.637 đồng đến 25.187 đồng.
Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua – bán là 24.330-24.700 đồng/USD (mua – bán), tăng 20 đồng mỗi chiều so với trước đó. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.340-24.805 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD tại 24.970-25.070 đồng/USD, tăng 70 đồng chiều bán và 50 đồng chiều mua so với trước đó.