ANTD.VN – Giá vàng sáng nay mở cửa phiên giao dịch đầu tuần không mấy tích cực khi tiếp tục tuột dốc sau 1 tuần giảm khốc liệt.
Sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm giá vàng miếng SJC 100 nghìn đồng mỗi lượng so với phiên cuối tuần trước, xuống mức 68,15 – 68,87 triệu đồng/lượng.
Phú Quý giữ nguyên chiều mua vào, giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, xuống 68,10 – 68,85 triệu đồng/lượng; DOJI giữ nguyên mức 68,15 – 68,95 triệu đồng/lượng…
Trong khi đó, giá vàng nhẫn gần như không biến động trong phiên đầu tuần, giao dịch quanh 56,00 – 57,00 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với mức giảm mạnh trong những phiên cuối tuần trước thì vàng miếng đã giảm khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng trong 1 tuần.
Giá vàng vẫn chưa có tín hiệu hồi phục |
Dù vậy, giá vàng trong nước đã phản ứng tương đối mờ nhạt với vàng thế giới. Chỉ trong tuần qua, giá vàng thế giới đã “bốc hơi” khoảng 4%, tương đương giảm gần 80 USD là mức giảm tồi tệ nhất tính theo tuần kể từ tháng 6/2021 và cũng khiến vàng kết thúc tuần ở mức thấp nhất trong 6,5 tháng.
Sang đến phiên đầu tuần, kim loại quý vẫn tiếp đà đi xuống khi mở cửa tại thị trường châu Á và đã giảm thêm hơn 4 USD mỗi ounce tính đến 9h30 sáng theo giờ Việt Nam, đang giao dịch quanh 1.844 USD/ounce.
Việc giảm mạnh của tuần qua cũng đánh dấu việc kết thúc 1 tháng giảm tồi tệ nhất của kim loại quý kể từ tháng 2 năm nay. Đồng thời, trong ba tháng qua, giá vàng đã giảm 3,3%.
Đợt bán tháo vàng diễn ra khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, trên 4,6%. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ tăng trên 106 điểm, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11.
Theo các chuyên gia, vàng đã giữ giá khá tốt, nhưng các nhà đầu tư hiện đang phải đối mặt với thực tế là Fed sẽ không sớm hạ lãi suất.
Mặc dù giá vàng đã giảm đáng kể trong tuần qua, một số nhà phân tích dự đoán rằng giá có khả năng giảm sâu hơn và nhấn mạnh mức thấp nhất trong năm chỉ trên 1.800 USD/ounce là mục tiêu chính tiếp theo cần theo dõi.
Nguyên nhân, theo một số nhà phân tích, là do đợt bán tháo vàng đã tạo ra tín hiệu kỹ thuật giảm giá khi đường trung bình động 50 ngày cắt xuống dưới đường trung bình động 200 ngày; mô hình này được gọi là “điểm giao tử thần”. Lịch sử cho thấy đây khó có thể là chặng cuối cùng của đợt giảm giá.