Giá vàng hôm nay 12/7/2023 tăng khi nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là đồng USD. Tuy nhiên, nó cũng đang bị tác động bởi số liệu lạm phát gây thất vọng, có thể dẫn đến việc Fed sẽ đánh giá lại chính sách, theo xu hướng thắt chặt tiền tệ và điều đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 12/7 và TỶ GIÁ HÔM NAY 12/7
1. SJC – Cập nhật: 11/07/2023 15:41 – Thời gian website nguồn cung cấp – ▼/▲ So với ngày hôm qua. | ||
Loại | Mua vào | Bán ra |
SJC 1L, 10L | 66,600 | 67,200 |
SJC 5c | 66,600 | 67,220 |
SJC 2c, 1C, 5 phân | 66,600 | 67,230 |
Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ |
55,500 | 56,500 |
Vàng nhẫn SJC 99,99 0.5 chỉ |
55,500 | 56,600 |
Nữ Trang 99.99% | 55,400 | 56,100 |
Nữ Trang 99% | 54,345 | 55,545 |
Nữ Trang 68% | 36,302 | 38,302 |
Nữ Trang 41.7% | 21,546 | 23,546 |
Giá vàng thế giới tăng nhờ “trợ lực”, trong đó có yếu tố đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, đà tăng đã bị cản trở bởi nhà đầu tư thận trọng, do dự trước số liệu lạm phát của Mỹ sắp được công bố (ngày 12/7) – được dự đoán có thể ảnh hưởng đến lộ trình chính sách tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ghi nhận của TG&VN vào 21g30 ngày 11/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tại 1934,4 USD/ounce tăng 9,3 USD so với phiên giao dịch liền trước. Lần cuối cùng, giá vàng giao dịch tháng 8 tăng 11,60 USD lên 1.942,60 USD/ounce.
Chỉ số USDX xuống gần mức thấp nhất trong 2 tháng. Đồng USD suy yếu đang hỗ trợ kim loại quý tăng giá, trong bối cảnh Fed dường như đánh tín hiệu chỉ ra rằng, họ đang ở cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Đồng USD suy yếu còn giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữa các loại tiền tệ khác.
Một số quan chức Fed cho biết, Mỹ có thể vẫn cần tăng lãi suất để “hạ nhiệt” lạm phát, nhưng nó đã gần kết thúc chu kỳ thắt chặt. Theo công cụ Fedwatch của CME, các nhà đầu tư nhận thấy có 92% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7/2023 lên mức 5,25% -5,5% và sau đó duy trì mức này đến năm 2024. Lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng hôm nay 12/7/2023: Giá vàng bị chặn đà tăng, Nga bị trừng phạt, đánh động các nước đua chuyển kho vàng… về nhà. (Nguồn: Kitco) |
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết phản ứng của thị trường đối với dữ liệu lạm phát của Mỹ phụ thuộc vào tốc độ chậm lại của nó. “Chỉ khi lạm phát bất ngờ giảm thì giá vàng mới được hưởng lợi, vì điều đó cho thấy chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ kết thúc sớm hơn”.
Vàng là khoản đầu tư trú ẩn an toàn, có xu hướng tăng trong thời kỳ bất ổn về kinh tế hoặc tài chính, trong khi lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn của tài sản có lãi suất bằng 0 như vàng.
Giá vàng trong nước, vàng miếng SJC tại các hệ thống cửa hàng được điều chỉnh tăng thêm khoảng 50.000 – 100.000 đồng/lượng.
Giá vàng trang sức tăng khá đều đặn, liên tiếp từ ngày 7/7, bật tăng mạnh, cao hơn 200 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Tính từ chốt phiên 7/7 đến hôm nay, giá vàng 9999 của SJC đã tăng 450 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Giá vàng trang sức của Doji cũng đã tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng trang sức được nới rộng trong khoảng 1-1,55 triệu đồng/lượng.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 11/7.
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,45– 67,10 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45– 67,05 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,55 – 67,10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,62 – 67,18 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,79 – 56,69 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,20 – 56,40 triệu đồng/lượng.
Xu hướng “hồi hương” vàng
Sau cuộc xung đột ở Ukraine, Nga bị Mỹ và phương Tây “ra tay” trừng phạt bằng loạt lệnh hạn chế và phong tỏa tài sản. Một loạt nước sau đó rục rịch chuyển vàng dự trữ ở nước ngoài về cất giữ ở trong nước nhằm ngăn chặn rủi ro bị trừng phạt giống như Nga – nền kinh tế đang sở hữu hàng trăm tấn vàng và hiện đang bị phong tỏa ở các nước phương Tây, theo cuộc khảo sát do Công ty Quản lý đầu tư Invesco (Mỹ) thực hiện.
Báo cáo của Invesco công bố ngày 10/7, cho biết cơn suy sụp của thị trường tài chính hồi năm ngoái đã gây ra tổn thất trên diện rộng đối với các quỹ đầu tư quốc gia, khiến họ phải xem xét lại các chiến lược với lo ngại tình trạng lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị sẽ kéo dài.
Cuộc khảo sát của Invesco cho thấy các ngân hàng trung ương xem vàng là tài sản phòng thủ lạm phát và họ dự kiến mua thêm vàng trong 3 năm tới. Một xu hướng đáng chú ý khác, 68% nhà quản lý cho biết họ đang dự trữ vàng trong nước so với tỷ lệ chỉ 50% vào năm 2020. Điều này cho thấy, nhiều ngân hàng trung ương đã chuyển vàng về nước.
Cuộc khảo sát của Invesco cho thấy một tỷ lệ đáng kể các ngân hàng trung ương lo ngại về tiền lệ trừng phạt như vậy đã được thiết lập, điều đó sẽ khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Hơn 85% trong số 85 quỹ đầu tư quốc gia và 57 ngân hàng trung ương tham gia cuộc khảo sát nghiên cứu quản lý tài sản có chủ quyền toàn cầu hàng năm của Invesco tin rằng trong thập niên tới, lạm phát sẽ cao hơn với thập niên vừa qua. Trong môi trường đó, họ xem vàng và trái phiếu ở thị trường mới nổi là những lựa chọn đầu tư an toàn. 74% quỹ đầu tư quốc gia xem trái phiếu lợi suất cao ở các thị trường mới nổi là sựa lựa chọn đầu tư hấp dẫn.