Thứ hai, 08/04/2024 09:05 (GMT+7)
–Đó là nhận định của nhà kinh tế học David Rosenberg – Chủ tịch của Rosenberg Research. Theo vị chuyên gia, đợt tăng giá vàng mới nhất là “đặc biệt ấn tượng”.
“Giá vàng tăng vào thời điểm đồng đôla mạnh lên, kỳ vọng lạm phát giảm. Trong thời gian đó, FED được cho sẽ tiếp tục giữ lãi suất cao. Tất cả những diễn biến này thường sẽ làm tổn hại đến giá vàng, nhưng mọi thứ đang đi ngược quy luật” – ông lưu ý.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Rosenberg Research, nguyên nhân giá vàng tăng cao không nằm ở phía cung, do đã ổn định trong những năm gần đây. Nguyên do nằm ở phía cầu bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới xem vàng như một tài sản dự trữ.
Hiện tại, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất đi vị thế đồng tiền dự trữ thứ hai trên thế giới. Các quốc gia như Nhật Bản, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan lo ngại sự phụ thuộc quá mức vào đô la Mỹ. Qua đó, vàng được tìm đến để tránh rủi ro kinh tế.
Ông Rosenberg nói: “Sau thời gian thoái vốn khỏi vàng do cho rằng dự trữ vật chất đã quá lỗi thời, các ngân hàng trung ương một lần nữa lại tăng cường nắm giữ vàng ở quy mô lớn”.
Nhu cầu về vàng tăng mạnh ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi các nhà đầu tư phương Tây tụt lại phía sau do lãi suất cao và giá cổ phiếu bùng nổ làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Ngoài ra, sự bùng nổ trong công nghiệp sản xuất mạch điện để phục vụ cho cơn sốt trí tuệ nhân tạo được cho là một yếu tố khác thúc đẩy giá vàng.
Ông Rosenberg đánh giá, sự phục hồi gần đây của giá vàng bắt nguồn rủi ro địa chính trị toàn cầu và triển vọng kinh tế vĩ mô khó lường.
Về mặt tiền tệ, ông phân tích: với tỉ lệ nợ trên GDP của Mỹ đạt 120% và chi phí dịch vụ leo thang, các nhà đầu tư đang tăng cường nắm giữ vàng trong bối cảnh rủi ro xảy ra khủng hoảng tài chính.
Khi giá vàng đạt đà tăng trưởng ổn định, ông Rosenberg dự đoán, giá vàng có thể tiếp tục tăng thêm 15% – thậm chí 30% lên mức 3.000 USD/ounce – khi các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Nhà kinh tế học đưa ra hai kịch bản: thứ nhất là cuộc “hạ cánh mềm” (tránh khỏi suy thoái kinh tế), thứ hai là một thị trường giá xuống điển hình. Cả hai kịch bản này đều hỗ trợ cho giá vàng.
Trong kịch bản “hạ cánh mềm”, giả sử lãi suất thực tế toàn cầu quay trở lại mức trung bình trước năm 2000, giá USD sẽ giảm khoảng 12% và đẩy giá vàng lên khoảng 10%.
Nhưng nếu một cuộc suy thoái ảnh hưởng đến kinh tế thế giới (với lãi suất thực tế toàn cầu quay trở lại mức trung bình giai đoạn 2014-2024), cộng thêm thị trường chứng khoán ổn định và đồng đôla mất giá khoảng 8%, giá vàng theo đó có thể tăng 15% vào phạm vi 2.500 USD/ounce.
Ông nói: “Việc kết hợp các phương pháp đánh giá đã giúp chúng tôi nhận biết rủi ro giảm giá vàng là thấp. Giá vàng vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng. Nhiều khả năng giá vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce hơn là giảm trở lại mức 1.500 USD/ounce do căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang”.
Chốt phiên giao dịch tuần qua, giá vàng SJC trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 79 triệu đồng/lượng; giá bán ra ở mức 82 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại DOJI bị điều chỉnh tăng lên mức 3 triệu đồng/lượng.
Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC chiều mua vào 79,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 81,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC ở mức 2,4 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.329,2 USD/ounce.