Leo lên mức cao nhất mọi thời đại 78,50 triệu đồng/lượng
Sau những “cơn bão” lớn, thị trường vàng chưa ngừng nóng mà còn bước vào “cơn sóng thần”. Sau 1 tuần tăng điên đảo, trong ngày 25/12, giá vàng SJC lại gây sốc khi tăng 1,6 triệu đồng/lượng lên mức cao nhất mọi thời đại 78,50 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng, giá vàng SJC tăng từ 500.000 đồng/lượng tới 800.000 đồng/lượng. Tới chiều, đà tăng được củng cố, so với cuối tuần trước, giá vàng SJC tăng thêm 1,6 triệu đồng/lượng.
Mức giá cao nhất trên thị trường đang thuộc về Tập đoàn Doji. Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 1,6 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra lên 77,30 triệu đồng/lượng – 78,50 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào tại Doji khá cao, đạt 1,2 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ niêm yết giá vàng SJC ở mức: 77,30 triệu đồng/lượng – 78,30 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được giao dịch ở mức: 77,40 triệu đồng/lượng – 78,40 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, gia vàng SJC giao dịch ở mức 77,40 triệu đồng/lượng – 78,30 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng phi SJC chỉ tăng vài chục ngàn đồng/lượng so với sáng nay. Giá vàng rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang được giao dịch ở mức: 62,57 triệu đồng/lượng – 63,52 triệu đồng/lượng. Công ty PNJ niêm yết giá vàng PNJ ở mức: 62 triệu đồng/lượng – 63,15 triệu đồng/lượng.
Theo quan sát của phóng viên báo Nhà báo và Công Luận, dù giá vàng SJC tăng rất mạnh, trên “phố vàng” Trần Nhân Tông của Hà Nội không diễn ra tình cảnh người dân xếp hàng giao dịch vàng như trước đây. Ngược lại, một số người còn muốn bán ra.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận, anh Văn Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi chưa có kế hoạch sử dụng tiền mặt nhưng khi thấy giá vàng tăng cao một cách phi lý, tôi muốn chốt lời vì giá vàng có thể sớm giảm trở lại”.
Bất thường do hạn chế nguồn cung
Đáng chú ý, giá vàng SJC tăng sốc dù thị trường thế giới đang nghỉ lễ Giáng sinh. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 2.069 USD/ounce. Ở mức giá này của vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 61,68 triệu đồng/lượng.
Như vậy, trong chiều 25/12, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới tới 16,82 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất trong năm 2023. Trước đó, trong năm 2022, mức chênh cao nhất lịch sử giữa hai thị trường lên đến gần 20 triệu đồng/lượng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, giá vàng SJC chỉ nên cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng. Nếu mức chênh này cao hơn nhiều so với con số 5 triệu thì rủi ro cho người mua vào vàng là rất lớn.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nhận xét giá SJC tăng giảm không theo giá thế giới mà do cung cầu trong nước.
“Hiện tại, không lý giải được tại sao. Nhiều khi nhiều người nghĩ rằng giá vàng còn lên nữa nên mua đón đầu. Thị trường vàng đang trong tình cảnh nhiều người mua nhưng không ai bán. Cầu có nhưng không có nguồn cung nên giá vàng lên bất thường như vậy”, ông Huỳnh Trung Khánh bình luận.
Ông Huỳnh Trung Khánh phân tích cụ thể, thực ra cầu không quá cao, chỉ khoảng 100 lượng đến 200 lượng nhưng nhưng vấn đề nằm ở chỗ không ai bán. Không có nguồn cung.
“Vàng SJC bây giờ chỉ lưu thông trong nước. Theo tôi được biết 10 năm nay Nhà nước không cho sản xuất thêm 1 lượng nào nữa. Không ai muốn bán, nên công ty phải đưa ra giá cao để khuyến khích người ta bán nhưng người ta vẫn không bán nên giá cao như vậy”, ông Huỳnh Trung Khánh bình luận.
Theo ông Khánh, vàng SJC là thương hiệu quốc gia. Dù mang thương hiệu SJC nhưng Công ty SJC không được dập thêm vàng nếu không có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước. Có miếng vàng nào hư hỏng thì SJC sửa chữa hoặc thay thế 1 đổi 1.