Nửa đầu tháng 6, giá hạt tiêu Việt Nam tăng sốc khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6. Ngay sau đó, giá mặt hàng được ví như “vàng đen” này của Việt Nam lao dốc chóng mặt.
Gần đây, giá hạt tiêu lấy lại đà tăng, hiện được giao dịch quanh mức 156.000-162.000 đồng/kg.
Ngược với giá tiêu nội địa, giá xuất khẩu mặt hàng này của nước ta vẫn trong xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, giá tiêu đen loại 500g/l tăng lên ngưỡng 7.800 USD/tấn, loại 550g/l tăng lên 8.000 USD/tấn. Riêng hạt tiêu trắng của nước ta giá tăng lên 12.000 USD/tấn, lập đỉnh mới lịch sử.
Theo đó, giá tiêu đen của Việt Nam đang cao hơn hàng của Indonesia, Malaysia và Brazil lần lượt là 1.582 USD/tấn, 3.100 USD/tấn và 400 USD/tấn.
Tương tự, tiêu trắng của Việt Nam cao hơn hàng cùng loại của Indonesia 3.623 USD/tấn, hơn hàng của Malaysia 4.700 USD/tấn.
Còn so với thời điểm đầu năm nay, giá tiêu đen xuất khẩu của nước ta đã tăng 100% và tiêu trắng tăng 110,5%.
Vậy, nước ta còn bao nhiêu tấn “vàng đen” để xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm nay?
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn – mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110.000 tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị.
Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì nước ta còn khoảng 60.000 tấn hạt tiêu để xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA – cho biết, hạt tiêu trong dân vẫn còn nhưng thay vì bán ra ồ ạt, bà con bán nhỏ giọt để nghe ngóng trong bối cảnh giá mặt hàng này vào đà tăng.
Ví như thời điểm cuối tháng 5, giá tiêu ở mức 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày đầu tháng 6, có lúc giá hạt tiêu cán mốc 180.000 đồng/kg. Theo bà Liên, giá tiêu trong thời gian ngắn sẽ hạ nhiệt nhưng khó có thể trở về mức giá cũ.
Còn với doanh nghiệp, bà Liên thông tin, lại gặp phải tình trạng khó buôn và khó bán. Bởi, lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, trong khi doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với mức giá đã chốt và nay giá tăng quá cao cũng không mua nổi hàng.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu, mùa thu hoạch của năm nay đã kết thúc từ tháng 4. Diện tích trồng hồ tiêu ngày càng bị thu hẹp do nông dân chuyển đổi cây trồng. Trong khi nguồn cung hạt tiêu trên thị trường toàn cầu đang thiết hụt gần 100.000 tấn so với nhu cầu.
Cung khan hiếm, còn các quốc gia lại tăng mạnh nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc được dự báo sẽ đẩy mạnh gom mua hạt tiêu vì lượng tồn kho ở mức thấp. Thực tế, trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.
Do đó, thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ tăng trở lại không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu, vị này nhận định.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-hat-tieu-vot-len-dinh-lich-su-viet-nam-con-bao-nhieu-de-xuat-khau-2293129.html