Sáng 31.3, giá USD tại các ngân hàng thương mại ghi nhận một tuần gia tăng. Chẳng hạn, Vietcombank mua vào 24.600 đồng, bán ra 24.970 đồng, tăng 20 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, Eximbank tăng 40 đồng sau một tuần, đưa giá mua lên 24.580 đồng, bán ra 24.970 đồng…
Đồng yen cũng tăng nhẹ trở lại sau khi lao dốc mạnh từ việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nâng lãi suất lên mức 0% – 0,1% và chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm đã bắt đầu từ năm 2016. Ví dụ, Vietcombank mua vào 158,93 đồng và bán ra 168,22 đồng, cao hơn 0,23 – 0,25 đồng so với cuối tuần trước. Riêng giá euro vẫn tiếp đà giảm như Vietcombank mua vào xuống 26.020 đồng, bán ra 27.447 đồng, giảm 92 – 95 đồng sau một tuần…
Giá USD thế giới giữ đà tăng khi chỉ số USD-Index đạt 104,27 điểm, cao hơn 0,23 điểm so với cuối tuần trước. Trong tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố giữ nguyên lãi suất nhưng cũng giữ quan điểm sẽ có 3 đợt giảm trong năm nay.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng nếu lạm phát tiếp tục dai dẳng thì không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ điều chỉnh giảm số lần hạ lãi suất. Hôm 29.3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi đã tăng 0,3% trong tháng 2. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Báo cáo cũng cho biết lạm phát toàn phần đã tăng 0,3% trong tháng trước, thấp hơn một ít so với dự kiến. Dù đang suy giảm nhưng lạm phát hiện vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết vào giữa tuần này rằng dữ liệu lạm phát đáng thất vọng gần đây đã khẳng định khả năng ngân hàng trung ương trì hoãn việc cắt giảm mục tiêu lãi suất ngắn hạn.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, nhà đầu tư đưa ra dự báo Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6 với xác suất 64%, thấp hơn mức 70% trong tuần trước.