Giá trị ngoại hạng về thẩm mỹ, địa chất địa mạo của Tràng An có lẽ rõ nhất là khi nhìn từ trên cao. Theo các nhà nghiên cứu, để tạo nên một quần thể danh thắng như ngày nay, khối đá vôi Tràng An đã trải qua nhiều biến cố địa chất và khí hậu hàng chục triệu năm về trước.
Đây là khu vực được xác định là vùng lõi của quần thể. Từ đây, ảnh hưởng to lớn của thời kỳ Biển tiến, xảy ra cách đây 4.000 – 6.000 năm đã tạo nên một vịnh biển hoá thạch trên cạn. Nhiều cảnh sắc mơ màng có ở nơi này. Các nhà nghiên cứu khảo cổ chỉ ra rằng, Vịnh Tràng An cổ đã bị bỏ rơi trong lục địa bởi quá trình đắp đê, ngăn lũ và lấn biển từ thế kỷ IX và X.
Tiến sỹ Phạm Khả Tùy – Viện khoa học và địa chất khoáng sản Việt Nam cho biết: “Xung quanh khối Tràng An bị đứt gãy, xẻ vào tạo ra các thung lũng, cắm sâu vào vùng lõi và mở rộng về phía Nam. Các vùng ấy đều là các vũng biển cổ được bảo tồn đến bây giờ. Các ngấn nước rất đẹp. Ngoài ra, còn một điểm đặc biệt nữa là các ngấn nước ấy đều là nơi chứa sò, hàu biển, cho một kết quả tương đương với thời kỳ Holocen trung”.
Quần thể danh thắng Tràng An nhìn từ trên cao. (Ảnh: Báo Ninh Bình)
Giáo sư Paul Dingwall – Chuyên gia Hiệp hội bảo tồn thế giới IUCN nhận xét: “Unesco đã đánh giá rất cao hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An trong lần xét duyệt đầu tiên. Việt Nam đã thống nhất được bộ tiêu chí phù hợp đệ trình cho danh thắng này. Tôi chắc chắn rằng, những chuyên gia khi đặt chân đến đây đều mong muốn Tràng An của các bạn sẽ trở thành di sản thế giới trong năm nay”.