Hội An – thành phố nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn là vùng đất với kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp thường xuyên qua các thế hệ.
Từ khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999, TP Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch, dịch vụ phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và nguồn thu ngân sách địa phương.
Khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm hàng trăm ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, dân dụng nằm trên các tuyến phố. Đến nay, Hội An có đến hơn 1.400 di tích đã được kiểm kê phân loại.
Từ năm 2000, sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, rất nhiều dự án chương trình trùng tu bảo tồn từ các nguồn vốn khác nhau, từ địa phương, trung ương và kể cả những nguồn tài trợ, Hội An đã triển khai trùng tu rất nhiều di tích có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như dự án tu bổ khẩn cấp 2004, trùng tu hơn 70 di tích kể cả nhà nước lẫn tư nhân, dự án tu bổ cấp thiết trùng tu 80 di tích từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Cái hồn của Hội An chính là khu phố cổ, do đó không thể phát triển du lịch, dịch vụ bằng mọi giá để rồi đánh mất không gian của phố cổ cũng như các giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể trong quần thể này. Tuy nhiên, để gìn giữ được cả một quần thể di tích là thách thức rất lớn đối với chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương xác định bên cạnh phát triển du lịch, mục đích tối thượng xuyên suốt nhất vẫn là bảo tồn được nguyên trạng, nguyên vẹn quần thể kiến trúc đô thị cổ, đồng thời, đặt ra bài học kinh nghiệm bảo tồn nhưng phải phát huy, làm sao người dân hưởng lợi được từ vấn đề bảo tồn. Lý do bởi thành phố này là một bảo tàng sống, người dân sinh sống và làm ăn buôn bán trong đó. Vấn đề bảo tồn vẫn phải dựa vào nhân dân, hướng về nhân dân và cùng nhân dân thực hiện.
Thành phố đã kiên trì tổ chức những buổi nói chuyện trong hội trường hay góc phố đối với tất cả các lực lượng từ doanh nghiệp cho đến các chủ cửa hàng,cửa hiệu, kể cả những người bán con thổi, những đồ lặt vặt. Từ đó, mọi người thấy rõ hơn trách nhiệm đối với Thành phố này, làm sao để thấy rằng việc bảo tồn giá trị vật thể và phi vật thể của khu phố cổ là gắn liền với lãi sinh tồn, yếu tố sống còn của cư dân Hội An nói chung và phố cổ Hội An nói riêng.
Trong suốt thời gian qua, chính quyền và người dân đã có nhiều nỗ lực trong việc chung tay giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An. Tuy nhiên, việc quản lý một đô thị di sản như Hội An còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, phát sinh cần được tháo gỡ.
Việc đề xuất những giải pháp, công tác quản lý, bảo tồn đến khai thác, phát huy các giá trị di sản để đáp ứng được yêu cầu phát triển chung trong tình hình mới vẫn là bài toán đang chờ lời giải dành cho thành phố này.
Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/gia-tri-di-san-cua-pho-co-hoi-an-2021111513552717.htm