PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.
Thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, những ngày qua, dư luận liên tục xôn xao một số vụ việc liên quan đến giáo viên như một giáo viên tại TP. HCM xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop; hay một giáo viên và một học sinh tại Hà Nội có những cử chỉ thân mật ngay tại lớp học… Ông đánh giá thế nào về những sự việc này?
– Tôi có theo dõi những vụ việc báo chí phản ánh gần đây liên quan tới ngành giáo dục, trong đó nổi bật là hai sự việc như vừa nêu trên. Một vụ việc liên quan tới kinh tế (một giáo viên xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop), một vụ việc liên quan tới tình cảm (một giáo viên và một học sinh thân mật ngay tại lớp học). Tôi cho rằng đó là những sự việc hết sức đáng tiếc, đáng để phê phán. Những hiện tượng đó đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên.
Ở vụ việc cô giáo xin hỗ trợ mua laptop. Mặc dù quan hệ giữa cô giáo và phụ huynh học sinh ngày càng thân thiện và chia sẻ, nhưng cô giáo trong vụ việc này đã quá lợi dụng tình cảm đó để kêu gọi phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop soạn bài. Cô giáo ấy quan niệm việc kêu gọi phụ huynh học sinh hỗ trợ tiền là đang thực hiện “xã hội hóa giáo dục”. Theo tôi, đó là hành động rất sai lệch, ấu trĩ; sai với tinh thần xã hội hóa của Đảng, Nhà nước.
Xã hội hóa không phải là một giáo viên có quyền huy động đóng góp cho cá nhân mình mà phải là một tổ chức; ít nhất phải là một trường hoặc một sở Giáo dục đứng ra kêu gọi xã hội hóa. Khi đã có những hành động sai lầm, lẽ ra nên có những hành xử khéo léo như xin lỗi và rút kinh nghiệm nhưng cô giáo ấy lại cố chấp tranh luận, cãi lý, lại càng dẫn đến sai lầm hơn.
Còn sự việc cô giáo trẻ tại quận Long Biên, Hà Nội, có những cử chỉ chưa phù hợp, để cho một em học sinh cấp 3 thể hiện thái độ, tình cảm thái quá như vuốt tóc, vuốt má. Đáng nói hơn là những hành động ấy xảy ra ngay tại lớp học, trên chính bàn giáo viên ngồi. Một cô giáo lại để cho một học sinh mơn trớn như thế, trái ngược lại hoàn toàn với quy định, quy chế của ngành Giáo dục; lại càng trái ngược với thuần phong mỹ tục, không đúng với đạo đức nghề giáo tại Việt Nam. Điều này có thể để lại những tác động xấu tới tâm lý của học sinh, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của chính cô giáo ấy cũng như ngành giáo dục.
Thưa ông, vì sao một bộ phận giáo viên hiện nay lại có những ứng xử không phù hợp, thậm chí là vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy?
– Ngành nghề nào cũng có những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngành giáo dục cũng vậy, mỗi năm lại xuất hiện những hiện tượng xấu như thế. Đầu tiên phải nhắc tới là do nhận thức của những người này còn kém, chưa tới nơi tới chốn. Sau đó có thể tới vấn đề kinh tế, giao tiếp, ứng xử còn thiếu kinh nghiệm do mới vào nghề và không nhận thức được hậu quả của những việc mình làm.
Cũng có thể là những giáo viên đó giao tiếp, ứng xử theo kiểu hằng ngày. Khi bị ghi âm, quay lại clip để đưa lên mạng xã hội, người ta sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Dù vậy, những lời nói và ứng xử của các cô giáo ấy đều sai về cả đạo đức lẫn pháp luật.
Ông từng chia sẻ, ngành giáo dục đang xem nhẹ những giá trị đạo đức hơn so với những giá trị khác. Liệu đây có thể xem là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới những vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây?
– Cải cách giáo dục của chúng ta đang tiến hành và đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng bên cạnh đó cũng có những nội dung và chúng ta cần nghiên cứu, bổ sung. Qua khảo sát của tôi, ngành giáo dục hiện nay tập trung vào giáo dục các kỹ năng, tri thức. Còn những giá trị về mặt đạo đức thì đã bị xem nhẹ so với trước đây. Có những nơi thậm chí còn bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn”. Họ cho rằng đó là thứ đã lỗi thời rồi. Tôi cho rằng đó là những quan niệm rất phiến diện, lệch lạc.
Tôi nghiên cứu các chương trình giáo dục của những quốc gia hàng đầu của châu Á và châu Âu hay Mỹ thì thấy, họ đều chú trọng vấn đề đạo đức. Một người không đủ phẩm chất đạo đức đều sẽ bị loại ngay ra khỏi trường. Tri thức và kỹ năng, chúng ta có thể học tập cả đời. Nhưng còn đạo đức thì phải rèn luyện ngay lập tức từ những lớp vỡ lòng.
Trước hết và trên hết phải là đạo đức, phải dạy về đạo đức rồi sau đó mới đến tri thức và kỹ năng. Khi đi giảng dạy tại các trường đại học, cả những lớp thạc sĩ, tiến sĩ tôi cũng luôn đề cao đạo đức đối với người học.
Những năm qua, Bộ GDĐT cũng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên, về cả chuyên môn và đạo đức. Nhưng mỗi năm, chúng ta đều thấy những hiện tượng “lệch chuẩn” đáng tiếc xảy ra. Phải chăng, những giải pháp của ngành giáo dục vẫn chưa đạt được hiệu quả?
– Theo tôi thì không thể kết luận như vậy bởi Hiến pháp, Luật pháp được ban hành đều đã được nghiên cứu rất kỹ càng nhưng vẫn có những người vi phạm. Với ngành giáo dục thì lại càng phải cần có thời gian, không thể sớm muộn mà đạt hiệu quả ngay lập tức được.
Nâng cao chất lượng, muốn có những sự thay đổi về chất đòi hỏi phải có thời gian, đòi hỏi bước đi, đòi hỏi cách nhìn nhận và cách đầu tư, trọng dụng con người thế nào cho đúng, cho hiệu quả.
Để hạn chế được những tiêu cực của ngành giáo dục, những người đứng đầu các cơ sở giáo dục như hiệu trưởng phải nâng cao vai trò của mình trong việc quản lý giáo dục, trong đó có quản lý đạo đức, tư cách của nhà giáo. Cần theo dõi, động viên, nhắc nhở; thậm chí là xử lý những sai phạm ở cấp được nhà nước cho phép.
Tôi có chia sẻ nhiều lần muốn hạn chế tối đa được những hiện tượng tiêu cực giống như những ngày qua thì phải chấn chỉnh lại bộ máy và phải xây dựng được “văn hóa học đường”. Trong đó, thầy cô, giáo và các em học sinh chính là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động và xây dựng văn hóa học đường. Bên cạnh đó là cả những cán bộ, công chức, viên chức khác hay những lãnh đạo của ngành giáo dục; đặc biệt là những bậc phụ huynh, cũng phải tham gia xây dựng “văn hóa học đường”.
Đó là những gì tốt đẹp nhất, chuẩn mực nhất theo đúng quy chế, đúng đạo đức, đúng pháp luật mà Nhà nước đã quy định. Cho nên phải hiểu đúng về “văn hóa học đường”, phải quyết tâm xây dựng và làm thật tốt ngay từ những lớp nhỏ. Mỗi người tham gia vào văn hóa học đường đều phải tự ý thức, nhận thức được trách nhiệm của chính mình.
Xin ông nói rõ hơn ý “Mỗi người phải tự nhận thức được trách nhiệm của mình”?
– Tôi nghĩ rằng, bất kỳ lớp bồi dưỡng, hay chương trình đào tạo nào cũng chỉ là những thứ đại cương, khái quát nhất. Quan trọng nhất là mỗi người giáo viên khi đã bước lên bục giảng phải tự đánh giá, tự nhìn nhận, tự xác định rõ trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục. Một người giáo viên nếu có ý thức và rèn luyện thường xuyên thì không bao giờ vi phạm những lỗi mà tôi coi là tầm thường như thế.
Thế nên, tôi nghĩ “văn hóa học đường” phụ thuộc hoàn toàn vào vai trò của cá nhân. Các thầy cô có tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên không? Có ý thức để mà xây dựng hình ảnh của mình không có ý thức để xây dựng ngành giáo dục hay không?
Ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều thầy, cô giáo đã bỏ tiền túi để giúp học sinh trong lúc đói kém, nhất là trong mùa bão lũ vừa rồi. Hay những thầy cô giáo tại vùng cao như Hà Giang, Cao Bằng bỏ tiền để sửa nhà cửa, sửa lớp học. Vẫn còn rất nhiều tấm gương như thế. Trong hoàn cảnh dù khó khăn hơn, họ vẫn làm tốt nhiệm vụ, nêu cao phẩm chất đạo đức của một nhà giáo.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://danviet.vn/vu-giao-vien-xin-mua-laptop-hay-cu-chi-than-mat-trong-lop-hoc-gia-tri-dao-duc-dang-bi-xem-nhe-20241003163638571.htm