Giao đế chế vàng cho con, đại gia Đỗ Minh Phú “làm ngân hàng”
Cuối năm 2017, giới đầu tư xôn xao trước thông tin ông Đỗ Minh Phú quyết định thôi làm Chủ tịch CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và nhiều công ty con để tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) nhằm đáp ứng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (hiệu lực từ 15/1/2018) – yêu cầu các doanh nhân không được cùng lúc giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị tại cả nhà băng và doanh nghiệp.
Trước đó, ông Đỗ Minh Phú nổi lên trong cộng đồng doanh nghiệp Việt với vị trí Chủ tịch Tập đoàn DOJI – một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại Việt Nam.
Sinh năm 1953 tại Yên Bái, ông Phú từng là Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ xử lý Đá quý tại Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học Việt Nam, trước khi gây dựng DOJI và điều hành doanh nghiệp này trong gần một phần tư thế kỷ.
CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, được thành lập năm 1994. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra thị trường quốc tế sản phẩm đá Ruby sao Việt Nam với thương hiệu Việt Nam Star Ruby.
Từ năm 2009-2024, Tập đoàn DOJI mở rộng đầu tư bất động sản, du lịch, nhà hàng, lấn sân sang lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó có hoạt động tái cơ cấu Ngân hàng TPBank. Ông Phú từng là đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore (VSBC), Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam…
Ông Đỗ Minh Phú cũng có nhiều năm chuẩn bị và chuyển giao cho thế hệ kế cận điều hành hoạt động của DOJI.
Hiện ông Đỗ Minh Đức là Phó Chủ tịch thường trực còn bà Đỗ Vũ Phương Anh là Tổng Giám đốc DOJI. Cả hai đều là con của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI.
Ông Đỗ Minh Đức từng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt tại Tập đoàn DOJI, từ giám đốc kinh doanh, phó tổng giám đốc… Doanh nhân có đóng góp lớn trong việc đưa DOJI phát triển mạnh mẽ với doanh thu tăng bứt phá lên cả trăm nghìn tỷ đồng, đưa hoạt động chế tác và bán lẻ trang sức phủ khắp Việt Nam và ra thị trường quốc tế,… Ông Đức cũng lèo lái DOJILand trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là phân khúc hạng sang và siêu sang.
Hồi tháng 10/2023, bà Đỗ Vũ Phương Anh – con cả ông Đỗ Minh Phú – được bầu làm Tổng giám đốc DOJI sau 17 năm làm trong tập đoàn này, phần lớn thời gian làm trong mảng nguồn nhân lực và vận hành. Bà Phương Anh hiện là Chủ tịch DOJILand – công ty chuyên đầu tư bất động sản tại nhiều vị trí đắc địa tại các địa phương.
Doanh nghiệp này có một loạt dự án bất động sản lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,… như khu đô thị Nam Vĩnh Yên, dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence, dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo… Trong đó, một số dự án có những lùm xùm đáng tiếc.
Doanh thu vàng bạc tăng vọt, lợi nhuận sụt giảm mạnh
Theo DOJI, tính đến đầu tháng 3/2022, bà Đỗ Vũ Phương Anh là 1 trong 3 cổ đông góp vốn cùng với bố và em trai Đỗ Minh Đức tại tập đoàn. Trong đó, ông Đỗ Minh Phú sở hữu 70% vốn, 30% còn lại được chia đều cho Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức.
Tập đoàn DOJI có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán trên cả nước.
Với vốn chủ sở hữu của tập đoàn này tính đến giữa năm 2023 ở mức 6.441 tỷ đồng, khối tài sản của Phương Anh cũng như em trai Đỗ Minh Đức tại DOJI có giá trị gần 1.000 tỷ đồng mỗi người, nếu tính theo tỷ lệ trên.
Ngoài DOJI, Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức cũng là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất tại Ngân hàng TPBank khi sở hữu gần 24,5 triệu cổ phần mỗi người, tương đương 1,11% vốn điều lệ/người. Ước tính theo giá thị trường tới ngày 2/4 là 18.750 đồng/cp, số cổ phiếu TPBank do ái nữ của Chủ tịch Đỗ Minh Phú sở hữu có giá trị gần 460 tỷ đồng.
Gia đình ông Đỗ Minh Phú được Forbes xếp hạng nằm trong danh sách 20 gia tộc kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.
Mặc dù là doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc về doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, áp đảo nhiều đối thủ nhưng DOJI của ông Đỗ Minh Phú lại khá chậm chạp và ghi nhận lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các “ông lớn” khác như Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung.
Hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc mang về cho DOJI mỗi năm hàng chục, thậm chí cả trăm nghìn tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận lại rất khiêm tốn.
Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI ghi nhận lãi chỉ ở mức 154 tỷ đồng, kém xa con số 1.086 tỷ đồng của PNJ. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2,4%.
Năm 2022, DOJI có kết quả ấn tượng hơn, lãi 1.017 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 17,4%.
Trong khi đó, theo báo cáo kiểm toán, năm 2022 SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) và lợi nhuận gần 49 tỷ đồng. Còn PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 1.811 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2023, giá vàng trên thế giới, vàng miếng SJC và vàng nhẫn, vàng trang sức trong nước tăng mạnh lên các đỉnh cao mới. Vàng nhẫn lên trên 71 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC đạt 81-82 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng và có thể còn lập đỉnh cao mới trong năm 2024. Việc giá vàng tăng và sức cầu tăng mạnh là yếu tố được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng như DOJI, PNJ hay Bảo Tín Minh Châu… gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.
Đại gia Đỗ Minh Phú tính thương vụ nghìn tỷ đồng thời giữ lại khối lợi nhuận gần tỷ USD cho một chiến lược dài hơn. Thị trường sôi động, chứng khoán đang có những xon sóng lớn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp gọi vốn.