Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 72.000 – 75.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 4/6/2023, nguồn cung sụt giảm mạnh, tiềm ẩn rủi ro tiêu Việt mất thị phần vào tay đối thủ. (Nguồn: Shutterstock) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 72.000 – 75.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (72.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (73.500 đồng/kg); Bình Phước (74.500 đồng/kg) và Bà Rịa – Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.000 đồng/kg.
Dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 5/2023 đạt 13.568 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 23,23 triệu USD.
Như vậy, xuất khẩu 4,5 tháng đầu năm đạt 116.106 tấn, tăng 33,35% về lượng và giảm 12,16% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 2.876 USD/tấn, giảm 8,90% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 4/2023.
Các chuyên gia nhìn nhận, nguồn cung hồ tiêu giảm hơn nhu cầu đã xuất hiện từ 3 năm qua, khi nông dân đua nhau chặt bỏ cây trồng này. Hiện nay, thị trường hồ tiêu mới bộc lộ rõ do trước đó nguồn hàng tồn vẫn khá dồi dào. Với tình hình này, nông dân có quay trở lại trồng tiêu thì cũng cần chu kỳ ít nhất 3 năm nguồn cung mới tăng trở lại.
Với mức giá hiện nay, vườn tiêu đã cho lợi nhuận nhưng so với hiệu quả kinh tế của nhiều cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng thì vẫn thấp hơn nên nông dân sẽ không tính chuyện trồng lại cây tiêu.
Dự báo nguồn cung hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm do diện tích hồ tiêu già cỗi ngày càng tăng, biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường cũng là yếu tố làm giảm năng suất cây trồng này.
Theo dự báo của một số công ty xuất khẩu hồ tiêu, từ nay đến vụ thu hoạch niên vụ mới, giá tiêu sẽ tiếp tục theo đà tăng vì nguồn cung ngày càng giảm. Xuất khẩu hồ tiêu sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Thị trường sẽ có thay đổi là giảm về sản lượng nhưng giá trị sẽ tăng lên.
Ghi nhận từ báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu niên vụ 2022 – 2023 được dự báo sẽ tăng 10% lên khoảng 200.000 tấn nhờ các yếu tố thời tiết thuận lợi.
Tuy nhiên, VPSA nhận định, trong ba năm tới, nguồn cung sẽ có thể thiếu hụt, nếu tình hình nông dân chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả tiếp tục kéo dài.
Đồng thời, Hiệp hội cho biết nếu trường hợp cây già cỗi quá (15 năm tuổi trở lên) thì mới cần có phương pháp tái canh trồng lại thay thế.
Ngoài ra, việc chặt bỏ cây tiêu ồ ạt còn tiềm ẩn rủi ro Việt Nam để mất thị phần vào tay đối thủ, đặc biệt là Brazil.
Nhìn chung, Brazil có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích như thời tiết, đất đai rộng lớn, tập trung, không bị phân bố rải rác như Việt Nam, chi phí đất nông nghiệp cũng rẻ. Do đó, việc mở rộng sản lượng của Brazil rất dễ dàng, nhanh chóng và rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Hiện, Brazil là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ hai thế giới, sau Việt Nam với thị phần 21%. Một vấn đề mà nước này chưa thể giải quyết đó là dư lượng chất Ethylene Oxide (ETO).
Trong khi đó, Việt Nam có năng lực xử lý ETO, vì vậy, Brazil đang phải xuất khẩu tiêu sang các nhà máy Việt Nam để khử chất này.