Gần đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch mai đã tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân nằm điều trị tại đây.
Gần đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch mai đã tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân nằm điều trị tại đây.
Tăng số người trẻ mắc đột quỵ
Bệnh nhân nam T.D.Q, 31 tuổi chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.
Qua khai thác tiền sử bệnh, từ năm 2020, bệnh nhân đã có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp.
Ảnh minh họa |
Sau một thời gian bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.
BS.CK2 Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, khi tiếp nhận, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất.
Qua hội chẩn các chuyên khoa, bệnh nhân khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu.
Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. Bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.
Theo các chuyên gia, chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80-85% số ca chảy máu não, còn 15-20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch…
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, phần não liên quan không thể hoạt động được dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay).
Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng tàn phế rất nặng nề.
Tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 10-15%, dưới 50 tuổi là 15-20% trên tổng số các ca bệnh đột quỵ. Trên thế giới cứ 100.000 người dưới 50 tuổi thì có 15 người bị chảy máu não ít nhất 1 lần.
Bất kể ai, kể cả người trẻ cũng nên đi tầm soát đột quỵ não do tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đã và đang gia tăng.
Người trẻ thường chủ quan, ít khi theo dõi chỉ số huyết áp, ít tập luyện, chế độ ăn uống thừa cân, béo phì và không đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi có bệnh, hoặc đột quỵ phải nhập viện mới ngã ngửa có mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp …
Nếu đã phát hiện tăng huyết áp cần duy trì thuốc thường xuyên, suốt đời, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, thăm khám lại định kỳ để điều chỉnh thuốc và phát hiện sớm các biến chứng.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh zona thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa chữa trị thành công trường hợp một bệnh nhân nữ bị zona thần kinh tấn công vào mắt, có tiền sử từng mắc thủy đậu trên nền bệnh đái tháo đường nhiều năm.
Theo BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân bị các vết sang thương đỏ, sần, dạng bóng nước xuất hiện nhiều ở một bên mặt người bệnh, có xu hướng lan rộng trùng khớp với vị trí giải phẫu của các dây thần kinh vùng mặt.
Bệnh diễn tiến rất nhanh, chỉ trước đó hai ngày, bệnh nhân có cảm giác cộm, ngứa, châm chích, khó chịu bên trong mắt phải, không rõ nguyên nhân. Sau đó, mắt ngày càng sưng đỏ, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt. Đồng thời, mụn nước mọc lên và lan rộng quanh mắt.
Zona thần kinh tấn công vào mắt gây viêm giác mạc nặng như bệnh nhân trên là trường hợp nghiêm trọng, theo BS Hoàng Anh.
Càng để lâu, virus càng tấn công sâu vào các lớp bên trong mắt hoặc lan sang các cơ quan khác. Bệnh đồng mắc trên nền bệnh đái tháo đường thì mức độ nguy hiểm càng cao. Nguy cơ cao mất kiểm soát đường huyết, bội nhiễm vi trùng nặng, liệt dây thần kinh mặt, thậm chí nhồi máu cơ tim, đột quỵ, stress nặng, rất nguy hiểm.
Bệnh nhân được nhập viện điều trị khẩn cấp. Hội chẩn đa chuyên khoa sâu nội tổng hợp, thần kinh, da liễu, mắt, nội tiết – đái tháo đường, bác sỹ chỉ định điều trị nội khoa cho bệnh nhân.
Kết hợp dùng nhiều loại thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau, kiểm soát đường huyết. Đồng thời, theo dõi nguy cơ virus Varicella Zoster tiếp tục lan rộng, gây ra các biến chứng khác của bệnh zona thần kinh.
Sau năm ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, mắt phải giảm viêm, giảm sưng đỏ. Thị lực dần cải thiện tốt, các sang thương trên da cũng lặn dần.
Bệnh nhân không xuất hiện thêm biến chứng khác do zona thần kinh. Các xét nghiệm cận lâm sàng đều trong giới hạn bình thường.
BS Hoàng Anh cho biết, zona thần kinh và bệnh thủy đậu có liên hệ mật thiết, đều do virus Varicella Zoster gây ra.
Người bệnh sau khi điều trị thủy đậu, virus vẫn tồn tại và sống ẩn (ngủ) tại các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể…, virus sẽ hoạt động trở lại (thức dậy), rời vị trí trú ngụ, di chuyển dọc dây thần kinh để ra ngoài da và gây bệnh zona thần kinh.
Người từng mắc bệnh thủy đậu khi có biểu hiện nghi mắc zona thần kinh như phát ban, đau, sốt, mệt mỏi và mất ngủ nên thăm khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa nội tổng hợp, thần kinh hoặc da liễu.
Tránh để lâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tiêm vắc-xin Shingrix là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh zona thần kinh và các biến chứng nguy hiểm do virus Varicella Zoster gây ra.
Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường đang trở thành đại dịch, nguy cơ gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cắt cụt chân hoặc suy thận rất lớn.
Bà N.T.S (70 tuổi, Thái Bình) đã bị cắt nửa bàn chân trái, đặt stent động mạch đùi trái do biến chứng của đái tháo đường. Gần đây, bà xuất hiện loét gót chân và mất cảm giác ở cả chân tay nên mới đi khám.
Khi vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sỹ cho biết bà S. gặp nhiều biến chứng do không kiểm soát tốt đường huyết, chế độ ăn uống thiếu tuân thủ và chỉ uống thuốc khi đường huyết lên cao. Bệnh nhân phải nhập viện theo dõi đường huyết và các biến chứng của bệnh.
Ông N.T.V (71 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng đường huyết cao gấp 3-4 lần chỉ số thường.
Bệnh nhân này phát hiện đái tháo đường nhưng không uống thuốc theo đơn, không tái khám thường xuyên. Khi vào viện, người bệnh trong tình trạng mệt mỏi, khó thở.
Bác sĩ chẩn đoán suy tim, suy thận do biến chứng của đái tháo đường. Không chỉ đường huyết cao, chỉ số mỡ máu của bệnh nhân này cũng cao bất thường
Theo TS. Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, do chẩn đoán muộn và không tuân thủ điều trị nên biến chứng của bệnh nhân rất nặng nề, xuất hiện sớm hơn.
Đái tháo đường có nhiều biến chứng. Đường huyết cao len lỏi từng mạch máu dẫn đến tổn thương mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
Các biến chứng mạch máu nhỏ như:
Bệnh võng mạc là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa.
Các tổn thương mạch máu ở cầu thận, gây ra suy thận và khiến bệnh nhận phải lọc máu. Ở Việt Nam, 1/3 số ca bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu do đái tháo đường.
Tổn thương các dây thần kinh và đáng sợ nhất là nguyên nhân gây loét bàn chân dẫn đến phải cắt bàn chân…
Các biến chứng mạch máu lớn nguy hiểm nhất vì gây tử vong nhiều.
Biến chứng mạch vành gây nhồi máu cơ tim
Biến chứng mạch máu não mạch cảnh gây đột quỵ
Tắc mạch máu chi dưới, loét bàn chân, cắt cụt chân
Ước tính, trên thế giới cứ 30 giây trôi qua, 1 người phải cắt chân do biến chứng của đái tháo đường.
TS. Bảy khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường cần phải đi khám định kỳ theo bác sĩ, ít nhất 6-12 tháng để tầm soát tất cả các biến chứng.
Những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi dễ bị tổn thương cần chú ý tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp và những tương tác thuốc do dùng nhiều loại thuốc.
Khi chưa tới thời điểm đi khám nhưng nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như mờ mắt, phù, đau ngực hay tê bì chân tay thì người bệnh phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
Người bệnh đái tháo đường cao tuổi còn có rất nhiều bệnh đồng mắc khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì và cần kiểm soát hết các chỉ số này.
Hằng ngày, người bệnh nên thử máu mao mạch thường xuyên hàng ngày bằng máy đo đường huyết mao mạch hay thiết bị theo dõi đường máu liên tục (CGM), tránh tin vào cảm giác.
Tuyệt đối không bỏ thuốc khi thấy đường huyết, huyết áp về bình thường, bởi có kết quả đó là do thuốc.
Tuân thủ chế độ ăn, lối sống bao gồm tập luyện thể dục, không ăn quá no, quá nhiều, quá ít hoặc ăn kiêng quá mức.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-712-gia-tang-so-nguoi-tre-mac-dot-quy-d231873.html