Qua hơn 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) năm 2010 đã góp phần thay đổi mạnh mẽ hoạt động BVQLNTD. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội, Luật BVQLNTD cần được kịp thời sửa đổi, hoàn thiện.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự án Luật BVQLNTD (sửa đổi). Dự thảo luật có 12 chương, 79 điều, tăng thêm 1 chương và 28 điều so với luật hiện hành.
Cần cụ thể các biện pháp BVQLNTD
Tại phiên thảo luận về dự án Luật BVQLNTD (sửa đổi) diễn ra ngày 26-5 vừa qua, đã có 22 đại biểu tham gia đóng góp ý kiến với các nội dung liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh; khái niệm người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách BVQLNTD; BVQLNTD dễ bị tổn thương; BVQLNTD trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
Theo Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) kiêm Phó chủ tịch Hội BVQLNTD TP.HCM NGUYỄN VIẾT HỒNG, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái phải mở rộng lên cả không gian mạng. Muốn chống hàng giả, gian lận thương mại hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải có sự phối hợp chặt chẽ.
|
Góp ý vào dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, Khoản 1, Điều 5 dự thảo luật quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nội dung này cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành kịp thời, BVQLNTD trên thực tế.
Khi phương thức mua sắm của người tiêu dùng ngày càng có nhiều thay đổi, việc tiêu dùng trực tuyến (online) được sử dụng nhiều hơn bên cạnh các hành vi tiêu dùng truyền thống (trực tiếp – offline). Do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải ý thức rõ trách nhiệm, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải chia sẻ, với sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ cũng như sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số. Do đó, việc thi hành Luật BVQLNTD năm 2010 đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài.
Lưu ý các vấn đề quảng cáo trên nền tảng số
Mua hàng qua sàn thương mại điện tử, xem livestream bán hàng trên mạng xã hội đã trở thành thói quen của nhiều người vì tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú, đa dạng mẫu mã, dễ dàng “chốt đơn” thì mua hàng online đôi khi cũng dễ khiến người mua gặp phải nhiều rủi ro, tranh chấp vì bị giao sai hàng, thiếu hàng, hàng không giống mô tả, quảng cáo…
Chị Thanh Hòa (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay các hình thức mua sắm trên các kênh livestream ngày càng phổ biến. Vấn đề về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được quảng cáo trên các kênh này luôn đặt ra dấu hỏi cho người tiêu dùng. Nhiều sàn thương mại điện tử hiện nay không cho đồng kiểm khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc khiếu nại, sự cố cụ thể như: giao thiếu hàng, giao sai hàng, lợi dụng thông tin để tráo hàng trục lợi…
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn như tại quy định của Điều 39 dự án luật này. Do vậy, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo không được vi phạm thuần phong mỹ tục của nước ta.
Hải Quân
.