Ngày 12/6, bà Alicia Sanders-Zakre, điều phối viên chính sách và nghiên cứu thuộc Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) tiết lộ, Mỹ đã bí mật sử dụng khoảng 150 đầu đạn hạt nhân ở các nước châu Âu. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố số lượng đầu đạn hạt nhân tăng lên trong năm nay.
Số lượng vũ khí hạt nhân được sử dụng vẫn tiếp tục gia tăng trong năm nay, trong đó có một số đầu đạn của Mỹ tại châu Âu chưa được công khai. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Bà Sanders-Zakre cho biết, Washington đã triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ không quân của ít nhất 5 nước châu Âu. Tại một buổi họp báo, bà khẳng định rằng, Mỹ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về quá trình thực hiện này.
Theo bà, dù không có thông tin công khai liên quan đến việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu, nhưng ICAN đã phát hiện, vũ khí hạt nhân được triển khai ở 5 quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng thời, một số chuyên gia độc lập đã tiết lộ, khoảng 150 đầu đạn được triển khai tại các căn cứ không quân của Mỹ ở những quốc gia trên.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo, trong đó khẳng định, tính đến tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã bổ sung 60 đầu đạn vào kho vũ khí hạt nhân nước này, nâng tổng lên thành 410 đầu đạn trong 12 tháng. Đây là mức tăng lớn nhất trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân khác.
Dự báo kho vũ khí của Trung Quốc tiếp tục phát triển, bản báo cáo trên cũng nhận định, Bắc Kinh “có khả năng sở hữu số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tương đương với Mỹ hoặc Nga vào đầu thập niên này”.
Theo ông Hans Kristensen, thành viên cấp cao của SIPRI, Trung Quốc theo đuổi chính sách “không sử dụng trước”, tức vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được dùng đến trong trường hợp Bắc Kinh bị tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng đã nhận định, khi hoàn thành hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc có thể sẽ từ bỏ chính sách này.
Trong báo cáo vừa qua của SIPRI, kho vũ khí của Triều Tiên ước tính đã tăng từ 25 lên 30 đầu đạn, và Bình Nhưỡng có khả năng sở hữu đủ nguyên liệu phân hạch để sản xuất từ 50-70 đầu đạn.
Ngoài ra, SIPRI cho biết, hoạt động ngoại giao hạt nhân và kiểm soát vũ khí đã phải bị gián đoạn do số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai tăng đáng kể, từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm ngoái.
Theo SIPRI, tính đến tháng 1/2023, số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai trên thế giới đã tăng 86 đơn vị so với cùng kỳ năm 2022, trong đó số đầu đạn mới của Mỹ và Nga chiếm phần lớn.
Cụ thể, Mỹ đã tăng số đầu đạn triển khai từ 1.744 lên 1.770, còn Nga tăng từ 1.588 lên 1.674 đầu đạn. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 đầu đạn trong kho vũ khí của 2 nước này đang trong tình trạng báo động cao.
Theo dữ liệu thống kê trong báo cáo của SIPRI, tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới vào đầu năm 2023 là khoảng 12.512 đầu đạn, bao gồm 9.576 đầu đạn nằm trong kho.
Danh sách các cường quốc hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel.
Trong đó, Mỹ dẫn đầu về số lượng đầu đạn được triển khai (1.770), và theo sau là Nga (1.674), Pháp (280) và Anh (120). Tuy nhiên, số lượng đầu đạn trong kho của Nga là nhiều nhất (2.815), cao hơn so với 1.938 của Mỹ.
Trong năm 2022, tổng số vũ khí hạt nhân của Mỹ không thay đổi (3.708), trong khi Nga đã gia tăng con số từ 4.477 lên 4.489 đơn vị.