Một bệnh nhân 25 tuổi quen một bạn gái đang học làm đẹp ở một spa trên địa bàn. Vì muốn tự tay làm đẹp cho bạn trai, cô gái đã tiêm filler cho bạn trai mình dẫn đến anh bị mù một bên mắt vĩnh viễn vì tiêm filler làm tắc mạch các mao mạch của mắt. Trường hợp khác là chị N.T (20 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM) tiêm chất làm đầy tại rãnh mũi và má ở một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM. Qua thăm khám, bệnh nhân không biết mình đã được tiêm loại chất filler nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Theo TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú – Trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM, với những bệnh nhân này sau khi điều trị thành công vẫn để lại nhiều hậu quả về thẩm mỹ, bởi lúc này những mô sợi bên dưới đã xơ cứng, mạch máu biến dạng không còn bình thường, nên những bệnh nhân này rất khó phục hồi như ban đầu. Kỹ thuật tiêm chất làm đầy phải hiểu rất rõ về đặc tính sản phẩm và vùng tiêm như thế nào, vì chất làm đầy có rất nhiều đặc tính khác nhau phù hợp với nhu cầu của mỗi vùng da khác nhau. Ví dụ, vùng mắt cần chất làm đầy mềm hơn, vùng miệng thì vừa phải.
Còn PGS.TS Phạm Hiếu Liêm – Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TPHCM, cho biết filler là một phát minh khoa học đáng sử dụng, bản chất filler có nhiều chất, phổ biến nhất là hyaluronic acid. Tuy nhiên, nó cũng là một chất có thể gây tác hại lớn, bởi nhiều người lợi dụng filler không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứa các chất không đảm bảo an toàn để tiêm. Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề tiêm filler bởi những người không được học hành bài bản, không có chuyên môn đang nổi cộm, dẫn đến nhiều ca tai biến khi filler bị tiêm thẳng vào động mạch gây thuyên tắc võng mạc, gây mù mắt.
“Điều này là một mặt trái, bản chất filler là một chất tốt nhưng vào tay những người không biết sử dụng, nó trở thành nguy hiểm”, TS Hiếu Liêm bày tỏ quan điểm.
Tại các bệnh viện tuyến cuối, không hiếm gặp những ca tai biến về filler. Đa phần bệnh nhân bị áp xe, hoại tử vùng tiêm do những cơ sở spa làm đẹp và người thực hiện không có chuyên môn. Hậu quả là không ít trường hợp bị mù mắt vĩnh viễn.
“Có một thực tế dễ gặp nữa tại Việt Nam là trên các sàn thương mại điện tử, các hội nhóm mạng xã hội rất dễ dàng mua những loại filler này. Người mua dễ nên việc tiêm cũng dễ dàng được thực hiện vì giá thành rẻ, trung bình từ vài trăm nghìn đến hơn triệu đồng mỗi lần tiêm. Khi gặp biến chứng, bệnh nhân vào bệnh viện đa phần không chia sẻ bất cứ thông tin gì về nơi làm hay tên sản phẩm filler. Dưới góc độ của chúng tôi, vẫn phải cố gắng điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị filler”, TS Hiếu Liêm cho biết thêm.
Nguồn: https://laodong.vn/y-te/gia-tang-bien-chung-do-tiem-filler-chui-khong-ro-nguon-goc-1373215.ldo