SGGP
Hiện đang là thời điểm có nhiều bệnh lây nhiễm xuất hiện và lây lan trên diện rộng, như thủy đậu, bạch hầu, tay chân miệng; đặc biệt là bệnh lý liên quan tới các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi do nhiễm vi khuẩn không điển hình Mycoplasma…
Bác sĩ CKII Phạm Thị Kiều Diễm, BV Nhi đồng 1 thăm khám hô hấp cho bệnh nhi |
Nhiều bệnh lý tăng 25%-30%
Ghi nhận tại khu Khám yêu cầu 2 (khu dịch vụ) Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, những ngày qua có hàng trăm bệnh nhi tới khám bệnh, trong đó số ca nghi mắc tay chân miệng, bệnh viêm đường hô hấp… có chiều hướng tăng. Theo bác sĩ CKII Cao Minh Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, lũy tính từ đầu năm 2023 đến nay, tại các khu khám bệnh của đơn vị này đã tiếp nhận điều trị cho hàng chục ngàn trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 3.054 trẻ (879 ca nhập viện điều trị nội trú); tay chân miệng có 19.946 ca (428 ca nặng); riêng số trẻ mắc bệnh cúm có tới gần 210.000 ca (tăng gần 60.000 ca so với cùng kỳ năm 2022), bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn không điển hình Mycoplasma có 38 ca phải nhập viện điều trị nội trú. Tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, tuần qua cũng ghi nhận tăng nhẹ số ca mắc tay chân miệng (hiện đang có 60 ca bệnh nặng điều trị nội trú), sốt xuất huyết có khoảng 20 ca nặng… Trong khi đó, theo số liệu của tháng 7, 8-2023, lượt khám bệnh hô hấp ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tăng gần gấp đôi (khoảng 7.000 ca).
Bác sĩ CKII Nguyễn Hồng Phong, Phòng khám Nội nhi, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, thăm khám cho bệnh nhi |
Số người cao tuổi mắc bệnh hô hấp cũng đang gia tăng. Bình thường, mỗi phòng khám của Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) khám 40-50 bệnh nhân/ngày, nhưng nay có thời điểm khám từ 65-80 bệnh nhân/ngày. Ước tính, số ca mắc bệnh hô hấp phải nhập viện điều trị nội trú trong những tuần qua tăng 25%-30%, chủ yếu là bệnh nhân có bệnh lý nền như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, đái tháo đường …
Bổ sung dinh dưỡng, tiêm phòng vaccine
Ở góc độ điều trị, TS-BS Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, lưu ý, từ đầu tháng 8 đến nay, ngoài các bệnh truyền nhiễm tăng nhẹ, bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp trẻ bị bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn không điển hình Mycoplasma phải điều trị nội trú tăng so với cùng kỳ năm 2022. Triệu chứng của bệnh viêm phổi nhiễm vi khuẩn không điển hình Mycoplasma là trẻ sốt cao, ho liên tục và kéo dài. Nếu không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách, tình trạng bệnh của trẻ có thể trở nên nghiêm trọng, dẫn tới suy hô hấp nặng và gây tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, lũy tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 68.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này tăng gần 53%. Ngoài bệnh tay chân miệng, các bệnh viện trên cả nước cũng ghi nhận số trẻ mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều bệnh nhi đang điều trị trong tình trạng nặng. Một dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng có số ca mắc tăng cao là thủy đậu, với lượng bệnh nhi mắc tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích sâu hơn về căn bệnh này, TS-BS Nguyễn Trần Nam cho biết, bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn không điển hình Mycoplasma lây truyền qua đường hô hấp thông qua giọt bắn, dịch hô hấp có chứa vi khuẩn lây bệnh khi người bệnh hắt hơi, ho. “Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn không điển hình Mycoplasma. Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa căn bệnh này”, TS-BS Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Đối với người cao tuổi, bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp – Bệnh viện Thống Nhất, lưu ý, người cao tuổi thường có 4-5 bệnh lý mạn tính nên khi nhiễm khuẩn hô hấp thì tình trạng rất dễ trở nặng. Để phòng ngừa bệnh, người cao tuổi cần chú ý tắm nước ấm, không tắm lâu, mặc quần áo dài tay ngay sau khi tắm; hạn chế sử dụng quạt máy và điều hòa (nhiệt độ khi bật điều hòa nên giữ ổn định 26-270C), không khí trong phòng luôn thông thoáng; vệ sinh răng miệng kỹ trước và sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra, người cao tuổi cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vitamin từ rau củ quả nhằm nâng cao sức đề kháng; nên tiêm vaccine phòng cúm định kỳ và vaccine phế cầu. Người thân không tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc mua thuốc theo toa cũ khi người lớn tuổi có triệu chứng ho, sốt. Riêng đối với trẻ em, theo PGS-TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM, để dự phòng cho trẻ trước các bệnh truyền nhiễm, giải pháp phòng chống bệnh tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm chủng.
Bệnh đau mắt đỏ bùng phát trong trường học
Ngày 18-9, theo Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ ngày khai giảng đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận ít nhất gần 14.500 ca bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học, THCS, kế đến là nhóm trẻ mầm non. Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường công tác vệ sinh, sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc với các trường hợp nghi mắc bệnh, có thể cho học sinh nghỉ học hoặc học trực tuyến nếu phát hiện mắc bệnh đau mắt đỏ.
Đại diện Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày một đơn vị tiếp nhận và điều trị khoảng 80-100 ca bệnh đau mắt đỏ, tăng hơn 10 lần so với ngày thường, trong đó học sinh chiếm đến 85% tổng số ca mắc (nhiều em bị biến chứng do tự điều trị không đúng cách hoặc chậm phát hiện ra bệnh).
PHÚ NGÂN