Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa cứu sống người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm trùng đường mật.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hai trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho hai bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn đều ở Nam Định.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, liên cầu khuẩn lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn, có thể gây tử vong. Nguyên nhân lây bệnh phần lớn do các bệnh nhân ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo… Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Theo cảnh báo của PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh này diễn biến rất nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Người nhiễm liên cầu khuẩn lợn gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.
Trước nguy cơ gia tăng bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Cục Y tế dự phòng đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn sang người. Bộ Y tế nêu rõ, người dân thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Do đó, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, cần có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch. Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch. Cục Y tế dự phòng cũng đề nghịy sở y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu khuẩn lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, từ đó kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
DIỆP CHÂU