(NLĐO) – Đà Nẵng khẳng định giá nước sạch tăng sẽ không tác động lớn đối với đời sống người dân.
Ngày 28-12, UBND TP Đà Nẵng thông tin về phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch trên địa bàn.
Trong phương án giá lần này, thành phố vẫn sẽ hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn.
Theo đó, miễn tiền nước với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hòa Phú, Hòa Bắc dùng nước từ mức 15m3/đồng hồ/tháng trở xuống. Đối với các hộ sử dụng trên 15m3/đồng hồ/tháng thì vẫn giữ nguyên mức giá cũ là 2.000 đồng/m3..
Các hộ dân cư nông thôn (trừ xã Hòa Phú, Hòa Bắc); hộ dân cư đô thị thì tính theo giá bậc thang tăng dần theo khối lượng sử dụng và có mức giá tăng khoảng 13%.
Đối với cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập; trường học, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; phục vụ mục đích công cộng; tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất, tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ có mức giá nước tăng từ 13,48%-13,97%.
Giá tiêu thụ nước sạch hiện nay tại Đà Nẵng được thực hiện từ năm 2014 và giữ ổn định suốt hơn 10 năm qua. Hiện nay, nhiều yếu tố trong chi phí cấu thành giá nước sạch đã biến động tăng như: tiền lương cơ sở tăng qua 6 lần; lương tối thiểu vùng tăng từ 2,4 triệu đồng lên 4,16 triệu đồng; giá điện tăng hơn 40% so với năm 2014; giá đầu vào của hóa chất xử lý nước, vật tư, thiết bị duy tu bảo dưỡng hệ thống cấp nước… qua 10 năm đã tăng hơn so với thời điểm năm 2014.
Cạnh đó, một số chi phí chưa được cấu thành trong giá nước như: tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác nước, tiền thuê tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước. Thời gian qua, Công ty CP Cấp nước đã đầu tư nâng công suất cấp nước toàn thành phố từ nguồn vốn vay nên chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí lãi vay tăng.
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, với sự biến động của chi phí cấu thành giá nước, Công ty CP Cấp nước thành phố đã nhiều lần đề nghị UBND thành phố điều chỉnh giá nước (vào các năm 2017, 2019, 2022, 2023).
Tuy nhiên, để ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, tình hình kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo thành phố đã cân nhắc, chưa xem xét việc tăng giá theo đề nghị.
Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch trên địa bàn Đà Nẵng lần này nhằm bù đắp chi phí cho công tác vận hành và duy trì hoạt động cấp nước cho thành phố.
Theo UBND TP Đà Nẵng, tăng giá nước sạch trong giai đoạn hiện nay có tác động nhưng không lớn đối với đời sống người dân. Đơn cử, đối với các hộ gia đình ở nông thôn nếu sử dụng nước dưới 10m3/đồng hồ/tháng, tương ứng mức tăng tối đa chỉ 4.000 đồng/tháng; đối với hộ gia đình ở đô thị bình quân sử dụng từ 10m3-15m3/đồng hồ/tháng thì mức chi trả hàng tháng tăng khoản từ 5.500 đồng đến 8.800 đồng/tháng.
“So với mặt bằng chung cả nước, giá nước dự kiến điều chỉnh ở Đà Nẵng vẫn thấp hơn một số địa phương khác” – UBND TP Đà Nẵng cho biết.
Năm 2014, công suất cấp nước toàn thành phố chỉ 210.000m3/ngày, đến nay đạt 460.000m3, mạng lưới cấp nước được mở rộng hơn 1,5 lần. Chất lượng nước được nâng lên rõ rệt. Đà Nẵng cũng đã đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, góp phần tăng công suất cấp nước, nâng cao chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước sạch lâu dài cho nhân dân và phát triển thành phố.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-nuoc-sach-tai-da-nang-sau-dieu-chinh-van-thap-hon-mat-bang-chung-ca-nuoc-196241228124728048.htm