ANTD.VN – Có 7 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá trong năm 2023 theo công bố của Tổng cục Thống kê.
Nhiều địa phương tăng học phí trong năm 2023 |
Năm 2023, Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt, đạt kết quả dưới mức Quốc hội giao. Dù vậy, trong năm vẫn có 7 nhóm hàng tăng giá, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
Tăng đáng kể nhất là nhóm giáo dục. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP;
Tăng cao thứ hai là chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85%. Trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,33%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.
Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Ngoài ra, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,29% so với năm trước, do nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công tăng; Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế năm 2023 tăng 1,23% so với năm 2022 do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,65% so với năm trước, chủ yếu do từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.
Năm 2023, mặt hàng có tác động lớn đến CPI là xăng dầu lại giảm giá so với năm 2022, góp phần làm giảm CPI.
Nhận định về xu hướng của giá cả hàng hóa năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI.
EVN có thể xem xét việc tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao; Việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.
Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CP.
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch… dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.