Một thương nhân cho biết, giá gạo trong nước đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm, nhiều nhà xuất khẩu đang tăng cường thu mua từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu mà họ đã ký trước đó.
Nông dân An Giang thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có sự tăng nhẹ.
Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.875 đồng/kg, giá bình quân là 5.438 đồng/kg, tăng 221 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 6.800 đồng/kg, trung bình là 6.435 đồng/kg, tăng 215 đồng/kg.
Cùng với đó, giá các mặt hàng gạo cũng có sự biến động tăng nhẹ. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 8.829 đồng/kg, tăng 107 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.742 đồng/kg, tăng 108 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.475 đồng/kg, tăng 108 đồng/kg.
Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 10.000 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 8.500 đồng/kg, giảm 105 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Bến Tre, giá lúa có sự tăng nhẹ 100 đồng/kg, như: IR50404 là 6.400 đồng/kg; còn OM6976 ở mức 6.500 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, một vài loại lúa có sự giảm nhẹ như OM4900 là 7.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT là 6.750 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; riêng OM6976 là 6.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; còn ST24 vẫn ổn định là 8.000 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa cả nước năm 2021 đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020.
Mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39,7 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020 đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.
Năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu sản lượng lương thực có hạt 48,3 triệu tấn. Riêng lúa diện tích gieo cấy từ 7,2-7,3 triệu ha, thâm canh tăng năng suất để đạt sản lượng 43-43,9 triệu tấn.
Hiện nhiều địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa Đông Xuân 2021-2022; trong đó, một số địa phương đã hoàn thành xuống giống. Điển hình như Cần Thơ, theo ngành nông nghiệp thành phố, nông dân đã xuống giống gieo trồng được 76.039ha lúa Đông Xuân 2021-2022, đạt 100% so với kế hoạch.
Các giống lúa được nông dân sử dụng gieo sạ chủ yếu trong vụ Đông Xuân 2021-2022 là Ðài thơm 8, Jamine 85, OM 5451, OM 380, RVT và IR50404.
Trong khi thị trường lúa, gạo trong nước tiếp tục tăng thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã chạm mức cao nhất của gần ba tháng trong tuần này trong bối cảnh nhà giao dịch dự đoán lượng đặt mua từ nước ngoài tăng lên. Trong khi đó, đồng rupee mạnh lên và nguồn cung thắt chặt cũng đã đẩy giá gạo của Ấn Độ đi lên.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên từ 390-402 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2021, so với mức từ 387-396 USD/tấn trong tuần trước đó.
Các nhà giao dịch Bangkok kỳ vọng sẽ có thêm nhu cầu từ thị trường nước ngoài trong năm 2022 và một số nhà xuất khẩu đã bắt đầu tích trữ gạo.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 359-363 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ ngày 11/11, tăng so với mức từ 355-360 USD/tấn trong tuần trước đó.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho hay nhu cầu không mạnh nhưng giá vẫn tăng cao hơn do đồng rupee tăng giá. Đồng rupee mạnh lên đã làm giảm biên độ lợi nhuận của các thương nhân ở nước ngoài.
Tại nước láng giềng Bangladesh, sản lượng vụ lúa Hè 2021 đã tăng 1,22% lên 19,89 triệu tấn so với vụ trước đó, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 1 triệu tấn.
Vụ gieo mạ Hè, tên địa phương là Boro, đóng góp hơn một nửa sản lượng lúa khoảng 35 triệu tấn cho Bangladesh.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức từ 395-400 USD/tấn, mức thấp nhất tính theo tuần kể từ tuần kết thúc ngày 26/8/2021 và không đổi so với tuần trước đó.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá gạo trong nước đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm. Nhiều nhà xuất khẩu đang tăng cường thu mua từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu mà họ đã ký trước đó.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần 7/1, giá các mặt hàng nông sản đều tăng trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ), dẫn đầu là lúa mỳ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 3 xu Mỹ (0,5%) lên 6,0675 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng 12,5 xu Mỹ (1,68%) lên 7,585 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 3/2022 tăng 23 xu Mỹ (1,66%) lên 14,1025 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT tăng cao hơn do số liệu thống kê chưa chắc chắn về sản lượng trong tuần này và tuần tới.
Vào ngày 11/1 tới, công ty phân phối thực phẩm quốc gia của Brazil (CONAB) sẽ công bố ước tính vụ mùa 1/1 của Brazil, đến ngày 12/1, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố biện pháp pháp cụ thể đầu tiên và cuối cùng cho vụ ngô/đậu tương năm 2021 và dự báo về thời gian gieo trồng lúa mỳ vụ Đông, cùng với ước tính về lượng hàng dự trữ.
Theo công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago, các báo cáo về vụ Đông là rất quan trọng và có khả năng mang lại rủi ro cao cho thị trường.
Bên cạnh dữ liệu thống kê về mùa màng và dự trữ của chính phủ, tình hình thời tiết tại Argentina và Nam Brazil trong 10 ngày tới cũng không mấy lạc quan giữa lúc cây trồng tại hai khu vực trên đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết hạn hán trong tuần này.
Ngoài ra, USDA thông báo đã bán được 176.784 tấn ngô cho Mexico và 120.000 tấn đậu tương cho một điểm đến chưa xác định, được cho là Trung Quốc.
Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tăng 9 USD lên 2.316 USD/tấn, còn giao tháng 5/2022 tăng 11 USD, lên 2.266 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.
Trong khi đó, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York trở lại xu hướng tăng. Giá càphê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 6,75 xu Mỹ, lên 238,45 xu Mỹ/lb, còn giao tháng 5/2022 tăng 6,45 xu Mỹ lên 238,30 xu Mỹ/lb (1lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng từ 100-200 đồng, lên dao động trong khung từ 41.300-41.700 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn đảo chiều tăng khi mối lo về nguồn cung quay trở lại thị trường, trong đó báo cáo lượng hàng dự trữ hai loại càphê này đều giảm.
Trong khi đó, các vấn đề về logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn và suy đoán Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản nhiều lần trong năm 2022 cũng tác động thị trường./.
(TTXVN/Vietnam+)