Không háo hức như vụ mùa trước, hiện ông Nguyễn Văn Bé (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) khá lo lắng khi thương lái vẫn chần chừ đặt cọc vụ hè thu 2024.
Ông Bé cho biết: “Vụ trước thương lái còn chủ động gọi cho tôi đặt cọc, riêng vụ này thì mình phải chạy đi tìm. Gọi điện 2 – 3 người thì họ chần chừ hẹn lại vì giá lúa lúc tăng, lúc giảm nên chưa dám thu mua”.
Được biết, 8 công đất nhà ông Bé còn khoảng 1 tuần nữa tiến hành thu hoạch. Đây cũng là lí do khiến lão nông này nóng lòng, chạy đôn chạy đáo tìm thương lái suốt mấy ngày qua.
“Cắt lúa xong mà không bán được liền thì phải mang về nhà phơi, cất trữ. Mùa mưa này thì phơi rất cực, chẳng may trời âm u nhiều ngày lúa lên mộng thì sau có bán được cũng bị ép giá”, ông Bé nói.
Thông thường, cách thời điểm thu hoạch lúa khoảng 20 ngày ông Nguyễn Văn Bảy (thương lái thu mua lúa tỉnh Hậu Giang) sẽ đi đặt cọc từng hộ, thế nhưng vụ này, ông chỉ cọc trước 3 – 5 ngày thu hoạch.
Nói về lí do, ông Bảy cho hay: “Vụ rồi tôi mất gần 20 triệu đồng tiền cọc vì đặt sớm, sau đó lúa sụt giảm không thể thỏa thuận giá được. Do đó, sức mua cũng không còn nóng như trước, giá lúa mấy hôm nay chững lại nên tôi cũng đề phòng, sợ lỗ lần nữa”.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tính đến đầu tháng 8, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 62.000ha trong tổng số gần 74.200ha lúa hè thu đã xuống giống. Những diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch tập trung ở huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ…
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN), 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.
Các thương nhân ngành lúa gạo cho rằng, mặt hàng lúa gạo có thể đối diện với thách thức về giá và lượng gạo nếu trong nửa cuối năm 2024 Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Ấn Độ vẫn chưa có động thái rõ ràng về việc tiếp tục cấm hay bãi bỏ lệnh xuất khẩu gạo trắng.
Theo Bộ NNPTNN từ nay đến cuối năm, Bộ tiếp tục phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo; lắng nghe khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu để có những đề xuất, giải pháp kịp thời.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 28.8 giá gạo trong nước giảm 50 – 100 đồng/kg, giá lúa tăng nhẹ 100 đồng/kg. Trên thị trường xuất khẩu, gạo 100% tấm giữ ở mức 440 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% giữ ở mức 579 USD/tấn; gạo 25% tấm giữ ở mức 547 USD/tấn.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/gia-lua-cao-nong-dan-hau-giang-van-lo-lang-dau-ra-1386270.ldo