Thuê đất trồng khi giá lúa tăng cao
Sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu năm 2023 vừa qua, gia đình bà Trần Thị Nga (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bán giá 7.000 đồng/kg, lời được 15 triệu đồng. Giá lúa vẫn tăng mạnh, bà Nga quyết định tìm đất thuê tăng diện tích gieo trồng mong kiếm thêm lời.
Theo bà Nga, kể từ khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, bà đã đi tìm và thuê được 2 công đất của người quen, giá 3 triệu đồng/công, cộng với 5 công đất hiện có để gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 – 2024.
“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ lúa tăng khoảng 8.000 đồng/kg sẽ ngừng, nhưng không ngờ tăng liên tục. Lúc tôi tìm thuê đất, lúa đã lên hơn 8.000 đồng/kg. Dự đoán giá sẽ còn tăng, tôi quyết định thuê đất để trồng mong kiếm lời. Giá lúa tăng cao là lộc trời cho nên mình tận dụng cơ hội lời đồng nào hay đồng đó” – bà Nga nói.
Không chỉ có bà Nga, anh Nguyễn Văn Nghĩa (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cũng quyết định thuê đất ruộng để tăng diện tích trồng. Tuy nhiên, vì có quá nhiều người tìm thuê nên người nông dân này chịu cảnh mất lượt, giá đất cũng vì thế tăng đáng kể.
“Thời điểm này, thương lái đặt cọc chỗ tôi 9.400 đồng/kg, cao gần 3.000 đồng so với năm trước. Cũng định thuê đất để trồng kiếm lời, tuy nhiên tìm rất khó vì nhiều người thuê, giá đất từ 2-2,5 triệu đồng/công nay lên 3-3,5 triệu đồng/công. Giá đất thuê tôi thấy khá cao nên cũng không dám thuê, vì sợ thuê làm rồi không có lời nhiều” – anh Nghĩa nói.
E ngại vì sợ rủi ro
Vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân năng suất đạt gần 9 tấn, giá bán 9.800 đồng/kg, anh Nguyễn Văn Phương (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) không khỏi vui mừng, phấn khởi khi thu lời tăng 20 triệu đồng so với năm trước. Tuy nhiên, người nông dân này lại quyết định không thuê đất mà chỉ tập trung gieo trồng số đất hiện có của gia đình.
Anh Phương lí giải: “Giá đất cho thuê chỗ tôi hiện là 3-3,5 triệu đồng/công, nếu giá lúa cao từ 9.000 – 10.000 đồng/kg thì mỗi công sau khi trừ chi phí vật tư lời được 5-6 triệu đồng. Tiếp tục trừ cho tiền thuê đất 3 triệu đồng sẽ vẫn còn lời, nhưng đặt trường hợp tương lai giá lúa sụt giảm thì có thể sẽ lỗ nặng”.
Theo anh Phương, thị trường lúa gạo biến động là cơ hội giúp nông dân đổi đời sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuy nhiên, việc đầu tư thuê đất nếu không có dự tính kĩ càng thì rất dễ gặp phải rủi ro.
“Nông dân sống bằng hạt lúa, hạt gạo thấy giá cao ai mà không mừng. Chuyện thuê đất để trồng kiếm lời là chuyện hiển nhiên vì nông dân quanh năm vất vả, lâu lâu mới được giá lúa cao. Tuy nhiên, việc bỏ tiền thuê đất, bất chấp giá đất tăng thì có thể lỗ nặng nếu không tính toán trước” – anh Phương nói.
Chị Như Hạ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Bây giờ giá lúa cao, thương lái cưng chiều nông dân, không ép giá, tranh nhau cọc tiền trước. Còn nếu lúc lúa rớt giá thì mình phải đi tìm thương lái, chấp nhận bị ép giá. Do đó, tôi không dám thuê đất trồng thêm, dù biết mình có thể có thêm lời, nhưng an toàn vẫn chắc hơn”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa gạo ngày 25.1 biến động không đồng nhất 100 – 300 đồng/kg. Tại An Giang, lúa OM 5451 có giá 9.300 – 9.400, giảm 200 đồng/kg; lúa OM 18 tăng 100 – 300 đồng lên khoảng 9.500- 9.600 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 có giá giảm nhẹ 100 đồng/kg xuống khoảng 9.800 – 9.900 đồng/kg.
Tại các kho xuất khẩu, giá gạo không có biến động. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt duy trì ở mức 13.050 – 13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900 – 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250 – 12.350 đồng/kg.