Giá lợn hơi tăng cao, vì hộ chăn nuôi nhỏ vẫn không dám tăng đàn
Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Hanh – chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cho hay: Từ năm ngoái đến nay, ông đã giảm đàn lợn khoảng 30%. Mục tiêu của ông là hết năm nay sẽ giảm khoảng 50% tổng đàn.
“Hiện tại tôi đã giảm được 100 nái, còn lại 180 con. Đàn lợn thịt còn 1.500 con. Kế hoạch của tôi sẽ giảm dần theo từng trại và đến năm 2025 sẽ dừng, không nuôi nữa” – ông Hanh nói.
Ông Hà Ngọc Thi (xóm Chợ Sồng, Trực Ninh, Nam Định) cũng cho hay, ông đã dừng việc nuôi lợn vì sau mấy đợt tăng đàn, không những không cho lợi nhuận mà còn bị thua lỗ.
“Giá lợn hơi tại Nam Định đã ở mức 60.000 đồng/kg nhưng người nuôi không có lãi. Dù hiện nay mỗi con lợn hơi bán ra người nuôi lãi khoảng 700.000 đồng, nhưng chăn nuôi lời lãi không thể chỉ tính những con trong chuồng sẽ được bán với giá 60.000 đồng/kg, mà phải tính cả những con đã bị dịch chết nữa. Chỉ cần vài con chết con như mất lãi” – ông Hà Ngọc Thi chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng (xóm 6 Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng cho hay, bà đã bỏ hẳn nuôi lợn, chuyển sang trồng rau gia vị để bán, dù thời tiết thất thường, tiền phân bón tăng, lời lãi không đáng kể.
“Trồng rau gia vị bán vốn thấp, lãi ít, chủ yếu là lấy công làm lãi, nhưng vẫn đỡ bấp bênh hơn nuôi lợn. Năm ngoái đàn lợn 10 con của tôi bị dịch chết hết, lỗ cả gần trăm triệu, hết cả vốn nên tôi không dám nuôi nữa” – bà Hồng không giấu giếm.
Khảo sát của Lao Động cho thấy, giá lợn hơi đã tăng liên tục trong mấy ngày gần đây, hiện ngoài 12 tỉnh miền Trung có giá 59.000 đồng/kg, còn lại các tỉnh trên cả nước đã điều chỉnh giá bán lợn hơi lên mức 60.000-62.000 đồng/kg, trong đó 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang có giá lợn hơi cao nhất: 62.000 đồng/kg.
Với các mức giá nêu trên, người nuôi có thể lãi từ 700.000-800.000 đồng/con lợn bán ra. Tuy nhiên, hiện người chăn nuôi không dám tăng đàn đón “sóng” giá lợn vì e ngại dịch bệnh.
Giám sát, ngăn ngừa không để dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát khá tốt. Tính đến ngày 22.3, cả nước có 35 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch rải rác tại 28 huyện của 19 tỉnh, thành phố.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lợn mắc bệnh là 1.234 con, số lợn chết và tiêu hủy là 1.189 con.
“Trong ngày (22.3-PV), báo cáo có 3 ổ dịch mới phát sinh tại tỉnh Nghệ An; số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 79 con” – báo cáo của Cục Thú y nêu rõ.
Về bệnh lở mồm long móng, hiện cả nước có 6 ổ dịch chưa qua 21 ngày, tại các tỉnh: Điện Biên, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai; số gia súc mắc bệnh là 136 con…
Thông tin về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho hay: Bộ NNPTNT đang quyết liệt triển khai các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và giám sát chủ động sự lưu hành, biến đổi của vi rút cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát bệnh dại; giám sát vi rút dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng,…
“Đặc biệt, hệ thống thú y đang đẩy mạnh theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh động vật trên cạn trên cả nước, nhất là các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, tai xanh, dại,… trên Hệ thống Quản lý thông tin tình hình dịch bệnh động vật (VAHIS)” – ông Long cho hay.