Nhiều ngày nay, mặt hàng cau bỗng trở thành mặt hàng nóng nhất trên thị trường nông sản khi đem lại nguồn lợi có thể nói là trong mơ với bà con trồng cau khi thị trường Trung Quốc hút hàng. Giá cau lập kỷ lục trong nhiều ngày giữ giá tới 90.000đ/kg trong khi mức bình thường chỉ là 10.000 -20.000đ/kg.
Không những vậy giá cau còn duy trì đà tăng cao ngay từ đầu vụ đến chính vụ tạo ra hấp lực đáng kể cho thị trường và người trồng cau, giải quyết một lượng nhất định lao động tại địa phương.
Tuy nhiên tin tức những ngày gần đây cho thấy giá thu mua cau đang có xu hướng giảm dần khiến nhiều vùng trồng cau ra ngóng vào trông cũng như đợi thương lái tới mua. Đặc biệt trong hai ngày gần đây giá cau đã giảm khoảng 20.000 đ/kg. Nhiều vùng trồng cau đã cho biết bóng thương lái mua cau đang thưa thớt dần báo hiệu một cái kết có thể không mấy vui vẻ cho vụ cau năm nay, nhất là thời điểm này đã là cuối vụ cau. Bản thân thương lái Trung Quốc đi thu mua cau những ngày này cũng liên tục hóng chờ tin tức thu mua từ các công ty ở “nhà”.
Việc cau sốt giá trong vụ vừa rồi được lý giải là nguồn cau nội địa của Trung Quốc không đủ đáp ứng nhu cầu cho việc chế biến mặt hàng kẹo cau, một loại kẹo bình dân và có tác dụng chống lại cái lạnh.
Câu chuyện giá cau vụ này “lên đỉnh” rồi bất ngờ “quay xe” đã cho thấy sự đầy bất trắc, đầy rủi ro từ nhiều năm nay khi mặt hàng cau trong nước tuy có nhiều vùng trồng song chỉ có duy nhất một đầu ra là thị trường Trung Quốc. Nghĩa là cuộc chơi này, thị trường Trung Quốc nắm đằng chuôi, nông dân, người trồng cây, nuôi con ở ta tưởng như ở thế thượng phong hoá ra cuối cùng cầm đằng lưỡi.
Câu chuyện trúng vụ cau năm nay vẫn là lời nhắc nhở về tính bền vững trong đầu ra của thị trường. Ảnh minh hoạ. |
Bài học thị trường từng xảy ra với những mặt hàng lạ từng “hút” thị trường Trung Quốc như móng trâu, lá điều tươi, giun đất, đỉa, ốc bươu vàng… giá từng cao ngất ngưởng trước khi giá cả lao dốc không phanh đã từng là lời cảnh báo đắt giá cho việc quá phụ thuộc vào một thị trường. Để đến khi thị trường bất ngờ “quay xe” cũng là lúc người nuôi trồng trở tay không kịp, chỉ còn nước đắng lòng ngồi nhìn sản phẩm nâng niu bao nắng mưa trở thành đống sản phẩm lạc lõng, thậm chí không nơi tiêu thụ ngay trên thị trường trong nước.
Trở lại câu chuyện trái cau. Cây cau không phải là dễ tiêu thụ trong khi phải trồng từ 3 – 5 năm mới khả dĩ cho ra sản phẩm. Việc phát triển vùng cây cau chuyên canh tại các địa phương cũng không mấy khả thi bởi đầu ra cho trái cau có thể nói là rất hẹp. Trong khi đó, quả cau Việt Nam chưa thuộc diện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thế nên những làn sóng sốt giá cau như vụ cau vừa rồi vẫn là đi theo con đường tiểu ngạch. Việc người dân các vùng thấy lợi ngắn hạn từ trái cau tự phát đổ xô đi trồng đã đặt ra cho các ngành chức năng bài toán khó trong quản lý.
Bởi vậy lời giải cho bài toán cây cau trước sau vẫn phải là bài toán xuất khẩu chính ngạch, như đã từng làm với các loại quả khác của Việt Nam, mới mong tính toán hiệu quả.
Nếu không “trái cau nho nhỏ” nhưng “cái vỏ vân vân” mà ẩn chứa sau cái “vân vân “ ấy nhiều sự rủi ro thua thiệt khó lường, thậm chí là kéo theo những sai lầm không đáng có về quy hoạch phát triển vùng trồng.
Nguồn: https://congthuong.vn/bi-hai-chuyen-thi-truong-cau-gia-len-dinh-roi-bat-ngo-quay-xe-353599.html