Chị Thanh Vân (TP.HCM) cho biết trong hội nhóm trên nền tảng Telegram có hơn 40 thành viên, mỗi người đều được gửi tặng các phần quà giá trị cao từ kẻ lừa đảo nhằm tạo lòng tin.
Thay vì liên lạc và yêu cầu chuyển khoản nhận quà, những kẻ lừa đảo đã gửi trước phần quà giá trị cao nhằm tạo lòng tin cho “con mồi”. Ảnh: Medium. |
Sáng ngày 20/3, chị Vân nhận được điện thoại thông báo trúng thưởng quà tặng từ một sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn. Người liên lạc tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng thuộc công ty Internet Việt Nam, liên kết cùng sàn TMĐT để tặng quà tri ân cho khách hàng may mắn.
“Tôi đã có sự chuẩn bị trước các cuộc gọi lạ, yêu cầu chuyển tiền hay tặng quà nên không bị lừa. Họ nói tôi cung cấp số điện thoại, địa chỉ và tên để nhận quà và phải liên lạc thông qua ứng dụng Telegram”, chị Vân chia sẻ.
Giao quà thật lấy lòng tin
Sáng ngày 22/3, phần quà trúng thưởng trị giá 500.000 đồng thật sự được giao đến tận nhà chị Vân và không mất thêm chi phí vận chuyển. Trong hội nhóm có tên “Tặng quà miễn phí T***”, người quản lý còn thường tổ chức các trò chơi đố vui, quà tặng là 30.000-50.000 đồng được chuyển khoản trực tiếp cho người dùng.
Phần quà được gửi đến chị Vân nhằm tạo lòng tin trước khi lừa đảo. Ảnh: NVCC. |
“Trong nhóm thường xuyên tổ chức các trò chơi nhận tiền. Số tiền này được chuyển khoản rất nhanh, chỉ sau 5-10 phút sẽ nhận được tiền thưởng. Tôi cũng thử chơi sau đó nhận được 30.000 đồng qua ví điện tử”, chị Vân cho biết thêm.
Trong suốt 4 ngày tham gia vào nhóm, chị Vân được những “nhân viên TMĐT” này chuyển khoản hơn 150.000 đồng kèm các vật phẩm quà tặng miễn phí trị giá gần một triệu đồng.
Sau khi nhận thấy các “con mồi” dần có lòng tin, kẻ lừa đảo bắt đầu quảng cáo về những phần thưởng lớn hơn như máy giặt hay tủ lạnh, đi kèm “nhiệm vụ cấp 2”.
Chị Vân là một trong số ít người không đồng ý tham gia “nhiệm vụ nhận hoa hồng” và may mắn không bị lừa đảo. Tuy nhiên bên trong hội nhóm, số lượng nạn nhân ngày càng tăng vì ai cũng đã nhận được quà tặng nên mất cảnh giác.
“Trong nhóm còn rất nhiều nạn nhân, ai cũng chuyển khoản cho bọn lừa đảo. Tôi muốn nhắn tin cảnh báo nhưng không biết đâu là nạn nhân thật, đâu là người bọn chúng cài vào nên đành im lặng”, chị Vân chia sẻ với Zing.
Ngày càng tinh vi
Không may mắn như chị Vân, chị Kim Hiền (TP.HCM) đã bị lừa hơn 100 triệu đồng vào đầu năm nay vì được mời chào với hình thức như trên.
“Khoảng cuối tháng 2, nhóm lừa đảo tiếp cận từ Facebook và thông báo tôi được trúng thưởng một bếp nướng điện miễn phí từ sàn TMĐT. Ban đầu tôi không tin nhưng khoảng 2 ngày sau có nhân viên giao hàng gửi quà đến thật”, chị Hiền nói.
Chị Kim Hiền (TP.HCM) cũng nhận được quà tặng trị giá gần một triệu đồng từ hội nhóm lừa đảo. Ảnh: NVCC. |
Sau khi nhận được món quà trị giá gần 600.000 đồng, chị Hiền tin tưởng và làm theo chỉ dẫn từ tài khoản tên Hoàng, tự xưng là quản lý kinh doanh của sàn TMĐT. Ban đầu, nạn nhân được yêu cầu nạp 5 triệu đồng để hoàn thành nhiệm vụ, các con số tăng dần lên 15 triệu đồng, 45 triệu đồng rồi 100 triệu đồng.
Bên trong nhóm gồm khoảng 20 người nhưng đa số là các tài khoản ảo cùng đường dây với hội lừa đảo. Họ đóng vai người chơi và liên tục thúc ép nạn nhân nạp thêm tiền để hoàn thành nhiệm vụ.
Đánh vào tâm lý mong muốn sớm nhận lại tiền, những kẻ lừa đảo thường yêu cầu người chơi chuyển khoản nhanh chóng, vay mượn, thế chấp tài sản để có thể nhận được nhiệm vụ lớn, tăng thu nhập.
Bảng nhiệm vụ được nhóm lừa đảo cung cấp. |
“Sau khi tôi không còn tiền, nhận ra bị lừa thì họ nói do tôi không hoàn thành nhiệm vụ nên không được trả thưởng”, chị Hiền cho biết.
Chuyên gia Cục An toàn thông tin cho hay thời gian gần đây, các hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn TMĐT và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản người dùng đang ngày càng phổ biến.
Theo ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, các công ty lớn như Amazon, TikTok hay các trang TMĐT Tiki, Lazada, Shopee… đều đã bị các đối tượng mạo danh để dụ người dùng “sập bẫy” lừa đảo.
Trước đó, ông Ngô Minh Hiếu, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo, cũng chia sẻ với Zing về các chiêu trò lừa đảo trên Internet ngày càng tinh vi. Các chiêu trò dẫn dụ bằng cách tạo niềm tin thường có bao gồm tự chủ động gửi tiền cho tiêu xài, gửi quà tặng từ nước ngoài hay phần thưởng bất ngờ.
Ông Hiếu cho biết thêm về 3 dấu hiệu lừa đảo trích từ trang dauhieuluadao.com thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để đánh lừa khả năng nhận định của nạn nhân. Ví dụ như liên tục hối thúc chuyển khoản tiền hay giao nộp thông tin cá nhân.
Vì vậy người dùng cần bình tĩnh, đặt câu hỏi ngược lại và dành thời gian tìm hiểu để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.