Kinh tế cửa khẩu: Trụ cột, động lực phát triển tỉnh Quảng Ninh Sơn La: Giải “bài toán” phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới |
Thương mại biên giới chưa thật sự khởi sắc
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ các chính sách và nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên, dù có sự tăng trưởng qua các năm song hoạt động thương mại biên giới tại khu vực này chưa thật sự khởi sắc.
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Ảnh Internet |
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lệ Thanh đạt 140 triệu USD, tăng 18% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 85 triệu USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 556,6 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 242,85 tỷ đồng (đạt 43,6% tổng vốn đầu tư đăng ký); trong đó 11 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 20 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang làm thủ tục. Các dự án này chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu.
Theo ông Nguyễn Xuân Thưởng – Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế, Phó Trưởng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh: Những năm qua, tỉnh Gia Lai rất quan tâm đến kinh tế cửa khẩu, tuy nhiên, mức đầu tư chưa nhiều nên chưa thu hút được các doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn, dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến nông – lâm sản và kinh doanh thương mại dịch vụ. Hoạt động chợ, giao thương trao đổi mua bán chủ yếu diễn ra theo thời vụ.
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú, chủ yếu là cao su định chuẩn kỹ thuật; nông sản có chuối, xoài, hạt điều thô, mì lát… Hàng xuất khẩu chủ yếu là bách hóa tổng hợp, thùng carton, vật tư nông nghiệp phục vụ cho các dự án của doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đầu tư tại Campuchia. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn ít.
Nguyên nhân các hạn chế đó là do đời sống kinh tế – xã hội khu vực biên giới còn chậm phát triển. Cư dân biên giới dựa vào sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ là chính, sản xuất công nghiệp còn hạn chế, chưa có sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh. Lượng dân cư các xã biên giới còn thưa thớt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tại địa phương chưa xác định Campuchia là thị trường tiềm năng, chủ yếu tập trung xuất khẩu hàng hóa vào thị trường truyền thống. Các tỉnh Ratanakiri và Stung Treng (Campuchia) còn khó khăn về đời sống vật chất, hạ tầng xây dựng thiếu thốn, dịch vụ kém phát triển, trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp.
Trong hoạt động thương mại, hầu hết doanh nghiệp chỉ thuê kho bãi để thu mua, tập kết, sơ chế nhanh hàng hóa, không chế biến sâu tại chỗ nhằm tiết kiệm chi phí quản lý, nhân công. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia (tỉnh Ratanakiri) qua các cửa khẩu khác gần cảng biển về các khu công nghiệp sẽ tiết kiệm được phần chi phí vận chuyển, chi phí kho tàng, bến bãi và chi phí quản lý, nhân công giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh. Lực lượng lao động tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu về lượng và chất cũng là một trong những lý do khiến hoạt động thương mại tại cửa khẩu chưa thật sự khởi sắc.
Bên cạnh đó, thị trường Campuchia có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là các doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan và một số nước ASEAN khác. Gia Lai là tỉnh biên giới xa cảng biển. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phải tốn thêm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ về cảng biển để phục vụ xuất khẩu dẫn tới việc gia tăng chi phí đầu vào sản phẩm, ảnh hưởng việc cạnh tranh về giá.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác để phát triển thương mại biên giới
Để thu hẹp khoảng cách trong hoạt động thương mại, trong năm 2022, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 2 chợ phiên nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm OCOP với 88 gian hàng, 1 phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với 60 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các hộ kinh doanh huyện Oyadav, Campuchia.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai. Ảnh TTXVN |
Trong hoạt động thông thương hàng hoá, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã phối hợp chặt chẽ với phía Campuchia triển khai quy trình kiểm soát xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thông quan nhanh chóng qua cửa khẩu. Điểm nhấn là việc Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã thực hiện số hoá các thủ tục hành chính bằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan thông qua các dịch vụ công trực tuyến.
Ông Hoàng Lương Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum cho biết, hiện nay, hệ thống ngành Hải quan đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Do đó, khi làm thủ tục, các doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ lên hệ thống dịch vụ công, không tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, công chức hải quan. Ngoài ra, tại các điểm kiểm tra hàng hóa, hải quan sẽ tạo điều kiện hết mức trong điều kiện cho phép để hàng hóa được thông quan nhanh nhất, tránh gây ách tắc.
Trong thời gian tới, để hoạt động thương mại biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh khởi sắc cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, văn hóa – xã hội, các dự án phát triển chợ biên giới nhằm tạo điều kiện cho người và phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu phục vụ giao thương, góp phần nâng cao đời sống, trình độ cư dân khu vực biên giới; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri cần tăng cường hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương hai bên; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại. Chủ động tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư có khả năng xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tập trung ưu tiên các nhà đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài thông qua hoạt động thương mại điện tử, tham gia chương trình hội chợ triển lãm quốc tế, hội chợ thương mại biên giới, các hoạt động kết nối, thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, qua đó tăng cường cơ hội xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa qua cửa khẩu. Để hoạt động giao thương khu vực cửa khẩu trở nên nhộn nhịp, tỉnh Gia Lai cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được tổ chức định kỳ và thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia.