Việc tăng cường hạ tầng dịch vụ logistic hỗ trợ cho thương mại điện tử kỳ vọng sẽ tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực.
Chiều 26/11, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, trong những năm qua, được sự hướng dẫn của Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Gia Lai và sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân… các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ được giao, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, có nhiều đột phá về tư duy trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, nền kinh tế của tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản và ổn định tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai qua các năm đều tăng dần, năm 2023 tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 3,02%; GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng (tăng 6,1 triệu đồng so với năm 2022). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng; nhiều lĩnh vực trong đó thương mại điện tử đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo |
Thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp được quan tâm chú trọng, bước đầu đáp ứng những yêu cầu đặt ra.
Hệ thống mạng lưới viễn thông, internet cáp quang trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, mở rộng, mạng điện thoại 3G, 4G và mạng truyền dẫn cáp quang được phủ sóng rộng rãi. 100% cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp có trang bị mạng internet tốc độ cao.
Hạ tầng an toàn, an ninh mạng cho thương mại điện tử được phát triển với việc phổ biến chữ ký số, chứng thư số; tăng cường hệ thống bảo mật, đầu tư hệ thống tường lửa, phần mềm chống virus…
Giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt được chú trọng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động khuyến khích các giao dịch không sử dụng tiền mặt. Các siêu thị, trung tâm mua sắm, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn đã xây dựng hệ thống trang thiết bị cho phép khách hàng thanh toán thông qua hình thức thanh toán trực tuyến của các ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán trực tuyến, ví điện tử (Momo, VnPay, ViettelPay, Zalo Pay, MobiFone Pay…).
Hạ tầng logistic hỗ trợ cho thương mại điện tử ngày càng được quan tâm phát triển, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Các đơn vị chuyển phát tăng trưởng về quy mô và số lượng. Trong đó có các doanh nghiệp lớn: VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… đã ứng dụng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng mã vạch, mã QRcode. Các dịch vụ gọi xe, giao hàng trực tuyến: Grab, Xanh SM… được người dân sử dụng rộng rãi.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các năm đều tăng dần, năm 2023 tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 3,02%; GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng. Ảnh: Hiền Mai |
Xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng các giải pháp về chứng từ điện tử trong thương mại. Phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, doanh nghiệp với chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn.
Cụ thể, xây dựng các Sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: www.thuongmaigialai.vn, www.ocopgialai.vn, đến nay đã hỗ trợ cho hơn 300 doanh nghiệp tham gia vào các sàn này.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, đã đạt một số mục tiêu cụ thể. Cụ thể, Gia Lai có 186 đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay 139/186 xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến đạt 75%.
Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp: 20% các doanh nghiệp có giao dịch thương mại điện tử, tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website thương mại bán hàng, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng (Số liệu thống kê quốc gia về thương mại điện tử- Bộ Công Thương năm 2022). 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng: Điện lực, viễn thông: áp dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; Dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, truyền thông đang bắt đầu triển khai áp dụng hợp đồng điện tử ước đạt 30%.
Về phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử: Khoảng 1.350 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Doanh số trong giao dịch thương mại điện tử hàng năm đều tăng, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 7,5% (năm 2022 đạt 7%).
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh Gia Lai không ngừng cải thiện qua các năm: Năm 2023 đạt 13.6 điểm, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố và thứ 03/05 tỉnh Tây Nguyên (sau Lâm Đồng và Đăk Lăk); tăng 02 bậc so với năm 2022 (40/63 tỉnh, thành phố), tăng 06 bậc so với năm 2021 (44/63 tỉnh, thành phố).
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố thuộc 6 vùng kinh tế trọng điểm nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng nhằm tăng tính kết nối giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, góp phần đưa thương mại điện tử trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Đồng thời tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển phù hợp với xu thế và tình hình mới; đầu tư hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và hạ tầng logistics trong thương mại điện tử, từ đó sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa. Hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, tăng cường phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code,… từng bước thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-lai-tang-cuong-ha-tang-dich-vu-logistic-ho-tro-cho-thuong-mai-dien-tu-360702.html