Sự chồng chéo giữa các quy định, nhất là thủ tục quyết định chủ trương đầu tư khiến Gia Lai lúng túng trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm đầu tư, bước đầu phát huy tác dụng, tạo mặt bằng sản xuất sạch để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập 14 cụm công nghiệp với diện tích 542ha; hiện 8 cụm đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc 1 phần với tổng kinh phí 184,6 tỷ đồng, đã thu hút 72 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích 120ha và tổng vốn đầu tư đăng ký 2.280 tỷ đồng.
Gia Lai tích cực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp. Ảnh: Hà Duy |
Địa phương cũng tích cực chủ động xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách và thực hiện tốt chủ trương thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Hiện, hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 4 cụm công nghiệp, gồm: Số 2 huyện Đak Đoa; Ia Grai; mở rộng cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang và cụm số 1 Đak Pơ. Theo Sở Công Thương Gia Lai, lần đầu tiên chủ trương xã hội hoá nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được thực hiện ở địa phương và đây là cơ sở để triển khai thực hiện ở các cụm công nghiệp tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
Dù đã được quan tâm, tuy nhiên trong triển khai thực hiện Gia Lai vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Thực tế, địa phương đang phải thực hiện thủ tục kép, gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 32).
Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư thứ cấp vào sản xuất trong cụm công nghiệp.
Mặt khác, một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ khiến công tác kêu gọi thu hút đầu tư thứ cấp gặp khó khăn.
Được biết, theo quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2030 địa phương có 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.942ha. Để đạt mục tiêu này, đồng thời gỡ vướng cho các công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương Gia Lai sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn các địa phương có nhu cầu thành lập, mở rộng cụm công nghiệp về công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm và các công tác khác. Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực tài chính, kinh nghiệm; ưu tiên lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các cụm công nghiệp.
Sở Công Thương Gia Lai cũng nâng cao năng lực, đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng của tỉnh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; công tác thu hút đầu tư; xây dựng tốt cơ chế chính sách; giải pháp về hỗ trợ vốn và đầu tư kết cấu hạ tầng; giải pháp về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Gia Lai cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 32 để địa phương có căn cứ triển khai công tác quản lý cụm công nghiệp.
Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương thẩm định, hoàn thiện hồ sơ dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32 để xem xét sớm ban hành giúp các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-lai-kien-nghi-go-vuong-cho-phat-trien-cum-cong-nghiep-363206.html