Hướng dẫn viên của buôn làng
Về làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang), chúng tôi được anh Si – nghệ nhân đan lát làm hướng dẫn viên cho hành trình trải nghiệm. Từ điểm đến đầu tiên là nhà rông truyền thống, kế tiếp anh Si dẫn chúng tôi đến giọt nước, cánh đồng Vang nằm dưới thung lũng nơi đầu nguồn sông Ayun. Nơi đây, nhìn từ trên cao sẽ thấy dòng sông hiền hòa uốn quanh ôm lấy cánh đồng và núi đồi phía xa thật yên bình.
Nói về nhà rông, anh Si tự hào kể bằng giọng trầm ấm: Đê Kjiêng là ngôi làng Ba Na có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, chỉ cách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tầm 4 km. Nhà rông của làng được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên với mái tranh, sàn và vách nhà đan từ cây lồ ô và được cố định vững chãi bằng sợi mây rừng.
Nhà rông là “linh hồn của làng” được bà con cùng nhau lấy nguyên vật liệu, bỏ công, hợp sức để làm nên. Dưới ngôi nhà rông này, dân làng mình thường tổ chức những sự kiện, lễ hội trọng đại, mỗi dịp như thế bà con lại cùng nhau đánh chiêng, múa xoang, uống rượu ghè thật vui và đoàn kết.
Tình yêu đối với buôn làng khiến những người con sinh ra từ làng, càng khát khao muốn giới thiệu bản sắc, vẻ đẹp thanh bình của buôn làng đến tất cả mọi người. Đây cũng là lý do chị Ksor Dịu (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chọn danh thắng Biển Hồ để giới thiệu trong vai trò là hướng dẫn viên.
Chị Dịu chia sẻ: Biển Hồ gắn bó với bao thế hệ người Gia Rai ở vùng đất này, trong đó có tuổi thơ của chị. Nơi đây, người già nào cũng có thể kể cho bạn nghe sự tích “Đôi mắt Pleiku”. “Những thế hệ con cháu như chúng tôi, càng muốn lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp đi xa hơn, để mọi người cùng biết đến”.
Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) quy tụ đội ngũ nghệ nhân đông đảo tham gia hoạt động du lịch, trong đó có già Đinh Grêng. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất gắn với văn hóa nương rẫy, già Grêng có vốn sống, hiểu biết phong phú về các lễ hội.
“Mình thường xuyên tham gia tái hiện các lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch. Mình sẵn sàng kể chuyện làng cho du khách mỗi khi khách đến làng quan tâm. Nói về bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Ba Na, mình có thể dành hàng giờ nói chuyện với khách du lịch”, già Grêng cho hay.
Có thể nói, trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Gia Lai, những hướng dẫn viên du lịch người DTTS của làng, đã góp phần tạo ra sức hút mạnh mẽ, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Họ được nhìn nhận là những “hạt giống” quý đang được tỉnh Gia Lai đầu tư, đào tạo để phát triển trong cộng đồng.
Đầu tư phát triển những “hạt giống” quý
Nhằm khuyến khích thế hệ trẻ đang sinh sống tại các buôn làng trau dồi kỹ năng, chủ động tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, mới đây tháng 7/2024, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch tại điểm dành cho người DTTS.
Tại cuộc thi này, các thí sinh đã mang đến hội thi nhiều chủ đề thuyết minh gắn với truyền thống văn hóa – lịch sử của địa phương như: Di tích lịch sử – văn hóa Làng kháng chiến Stơr; bảo tồn nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống; nét đẹp kiến trúc nhà rông người Ba Na – huyện Mang Yang; cồng chiêng Tây Nguyên; tục cưới xin của người Gia Rai …
Chị MLê (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) xuất sắc giành giải Nhất hội thi với chủ đề “Làng Wâu trên con đường lưu truyền bản sắc văn hóa”. Chị cho hay: “Làng mình không được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh đẹp nổi bật, nhưng là ngôi làng giàu bản sắc văn hóa. Mình rất tự hào khi giới thiệu những gì đời thường nhất của một làng Gia Rai trong phố, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa giữa nhịp sống hội nhập”.
Được biết, UBND tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với quyết tâm đưa du lịch vùng nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong đó, chuẩn bị nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng để làm nên thành công cho loại hình du lịch mới mẻ này.
Từ chủ trương của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Sở cũng đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động tham gia làm du lịch cộng đồng.
Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai nhìn nhận: Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, những hướng dẫn viên du lịch người DTTS sẽ góp phần quảng bá tốt hơn hình ảnh của du lịch Gia Lai đến với đông đảo đối tượng du khách. Cũng nhờ họ mà các làng du lịch cộng đồng hoạt động từng bước có hiệu quả, lớp trẻ ngày càng ý thức được sự quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách du lịch…
Nguồn: https://baodantoc.vn/gia-lai-dau-tu-phat-trien-nhung-hat-giong-quy-cho-du-lich-cong-dong-1726820261886.htm