Từ thông tin phản ánh của người dân, PV VietNamNet đã có mặt tại khu vực rẫy cà phê của ông Phạm Văn Thủy (77 tuổi, thôn Hợp Thắng, xã Ia Drang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Tại đây, một góc vườn trước nhà đã bị đào bới nham nhở, tạo thành hố sâu. Hàng trăm tảng đá to nhỏ được khai thác, xếp chồng lên nhau nằm la liệt dọc theo lối vào.

da lau 1.jpg
Khu vườn nhà ông Thủy không khác gì công trường khai thác đá lậu. (Ảnh: CTV)

Mặc dù không thấy nhân công khai thác, nhưng nhiều dấu vết để lại cho thấy đang có hiện tượng chẻ đá làm vật liệu xây dựng như dựng bạt che nắng, kéo điện chiếu sáng và nhiều vết khoan, đục đá còn rất mới.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thủy, chủ rẫy cà phê cho biết, cách đây 2 tháng, gia đình thuê người đào ao để lấy nước tưới cây. Quá trình múc đất gặp nhiều tảng đá lớn, lúc này người đàn ông tên T. ở thị trấn Chư Prông nghe tin, đặt vấn đề khai thác số đá này.

“Nhà tôi chỉ đào ao lấy nước, còn đá thì do ông T. nhận xử lý. Hiện tại khu vực này không khai thác nữa, chỉ chẻ đá thành viên rồi vận chuyển đi…”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, khoảng 17h30 hằng ngày, một nhóm người đến chẻ đá to thành đá xây dựng. Vì làm muộn sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân, bị phản ánh nên nhóm chẻ đá chỉ làm đến 20h30, có hôm đến 21h là nghỉ.

W-da-lau-2-1.jpg
Có khoảng 300 tảng đá bazan đường kính từ 0,5 – 1m, tương đương khoảng 150 – 170m3 còn lại tại hiện trường. (Ảnh: Trần Hoàn)

“Mỗi buổi một người chẻ được từ 400 – 500 viên đá. Tùy theo số lượng người làm, bình quân mỗi đêm cũng được trên 2.000 viên. Làm xong, họ bốc lên xe và chở đi luôn, không để lại gì”, ông Thủy kể.

Theo tìm hiểu của PV, tùy theo kích thước, mỗi viên đá được bán với giá từ 3.000 – 4.500 đồng.

Về việc khai thác đá trái phép, ông Trịnh Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Drang (huyện Chư Prông) cho biết, quá trình múc ao để dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Văn Thủy phát hiện dưới lòng ao có đá nên đã dùng máy múc đưa lên tập kết trong vườn.

Theo ông Thanh, diện tích ao đang được múc rộng khoảng 1.600m2, vị trí thuộc một phần thửa đất số 04, tờ bản đồ 69, hiện trạng là đất trồng cây lâu năm (trồng cà phê).

da-lau-3-1.jpg
Những tảng đá này được chẻ ra thành viên rồi vận chuyển ra khỏi địa bàn (Ảnh: Trần Hoàn)

Chủ tịch UBND xã Ia Drang thông tin, ngày 5/1, UBND xã tiến hành kiểm tra, xác minh tại thực địa. Qua kiểm đếm có khoảng 300 tảng đá bazan, đường kính từ 0,5 – 1m, ước chừng tương đương khoảng 150 – 170m3 đá.

Ông Thanh cũng cho biết, đã đề nghị hộ ông Phạm Văn Thủy dừng việc múc ao và nghiêm cấm vận chuyển đá ra khỏi vị trí để UBND xã kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Tấn Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông cho hay, huyện đã nắm được thông tin, đã có văn bản giao cho xã Ia Drang kiểm tra, báo cáo sự việc.

Theo ông Hiếu, khó khăn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông là không ai có chuyên môn về khoáng sản nên đang chờ xã Ia Drang kiểm tra, xác định khối lượng để làm quy trình xử lý.

Ông Hiếu khẳng định, muốn khai thác khoáng sản thì phải được cấp phép, khai thác lậu như trên là trái quy định pháp luật.