Suốt nhiều năm, người dân các thôn Hòa Thuận, Hòa Tín và Chư Bố 1 (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) phải chịu cảnh ô nhiễm khi cơ sở thu mua, chế biến nông sản dựng lò đốt bằng củi, than rồi vô tư hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Khói bụi bủa vây
Dẫn PV Báo Giao thông từ đường Hồ Chí Minh vào khu vực xưởng sấy đang sản xuất, bà Nay Thị Kim Hoa ở xã Ia Phang cho biết, chồng bà bị tai biến, ung thư giai đoạn cuối nhưng hằng ngày phải ngửi mùi khét của khói bụi.
“Vào vụ mùa cà phê, bụi mịn từ tro nhà máy sấy thải ra là thứ ám ảnh nhất, dù có đóng kín cửa thì bụi vẫn len lỏi vào nhà đến mức không thở nổi”, bà Hoa chia sẻ.
Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Ia Phang cho thấy, các đơn vị chức năng đã kiểm tra và xử phạt nhiều lần. Đơn vị kinh doanh đã cam kết không tái phạm và di dời đi nơi khác để không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm. Việc này huyện giao các phòng chuyên môn kiểm tra và có biện pháp xử lý. Nếu tái phạm, tôi yêu cầu thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pưh
Anh Lê Trần Quang Vinh, nhà đối diện với cơ sở sấy nông sản bức xúc cho biết, thời điểm xay xát và sấy nông sản hoạt động mạnh nhất từ 18h – 23h hằng ngày. Tiếng ồn, khói đen từ việc đốt lò sấy bằng củi kết hợp với bụi mịn từ xay xát nông sản thải khiến không khí mù mịt.
“Gia đình tôi không dám phơi áo quần bên ngoài vì lo bụi bặm, nhà luôn đóng kín cửa, cố tránh khói bụi ô nhiễm chừng nào tốt chừng ấy”, anh Vinh nói.
Cũng theo anh Vinh, từ năm 2021 đến nay, người dân liên tục làm đơn gửi chính quyền địa phương xử lý cơ sở gây ô nhiễm nhưng dường như càng phạt thì doanh nghiệp càng xả thải khói bụi mạnh hơn.
“Ngoài khói bụi, việc chở nông sản quá tải đã làm hỏng nát con đường giao thông nông thôn khu vực, xe tải mấy chục tấn vào ra liên tục tạo ra những ổ gà, ổ voi trên đường rất nguy hiểm. Chúng tôi mong chính quyền có biện pháp quyết liệt di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư để bảo vệ sức khỏe người dân”, anh Vinh nói.
Cam kết một đằng, làm một nẻo
Theo hồ sơ của UBND xã Ia Phang, cơ sở Bảy Gắng do ông Huỳnh Ngọc Phong (SN 1983, trú tại thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) làm chủ, chuyên kinh doanh mua bán và chế biến nông sản.
Năm 2021, cơ sở này đã bị ngành chức năng kiểm tra, xử phạt và yêu cầu khắc phục nhiều lần. Chủ cơ sở Huỳnh Ngọc Phong đã cam kết dừng hoạt động lò sấy, không gây ảnh hưởng đến người dân và sẽ di dời lò sấy đến vị trí phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết: “Xã đã nắm bắt tình trạng ô nhiễm từ cơ sở Bảy Gắng và đã cho cán bộ kiểm tra, xác minh cũng như xử lý vi phạm theo quyền hạn của địa phương. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý cơ sở này đảm bảo đúng quy trình và thủ tục”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh thông tin, đợt kiểm tra gần nhất vào tháng 12/2023. Tại đây, cơ quan chuyên môn phát hiện cơ sở trên vi phạm một số nội dung về bảo vệ môi trường và đã bị xử phạt 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, Bảy Gắng là cơ sở kinh doanh hộ gia đình, không thuộc diện cơ sở kinh doanh bắt buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các ngành nghề bắt buộc. Vì vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng hướng dẫn chủ cơ sở làm các thủ tục đăng ký môi trường theo quy định.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã và ngành chức năng kiểm tra, xử lý ngay vi phạm nếu có và yêu cầu cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm”, ông Quang nói.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/gia-laichinh-quyen-bo-tay-voi-co-so-che-bien-gay-o-nhiem-192241021220607172.htm