Thị trường khí đốt toàn cầu có thể thiếu cung, Nga kêu gọi Trung Quốc tham gia bảo hiểm hàng hóa cho tuyến đường biển phía Bắc, Fed sẽ đợi đến quý II năm nay mới cắt giảm lãi suất… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Dự án khí đốt hóa lỏng LNG-2 ở Bắc Cực của Nga. (Nguồn: Novatek) |
Kinh tế thế giới
Thị trường khí đốt toàn cầu có thể thiếu cung cho đến năm 2026
Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) nhận định, thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu sẽ thắt chặt cho đến năm 2026, trong khi nhu cầu dự kiến tăng 1,5% vào năm nay và lên tới 22% cho đến năm 2050.
Dự báo trên do Tổng thư ký của GECF, ông Mohamed Hamel, đưa ra hôm 22/1 tại một hội nghị tổ chức ở Trinidad & Tobago.
Theo thông tin trên website chính thức của GECF, tổ chức này đại diện cho các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên bao gồm Qatar, Nga, Trinidad & Tobago. Các thành viên của tổ chức này nắm giữ hơn 2/3 nguồn cung khí đốt của thế giới.
Trong báo cáo thường niên của mình, GECF đã cảnh báo về giá khí đốt giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục và biến động nhiều tại thị trường châu Âu lẫn châu Á. Đồng thời, tổ chức này lưu ý các nước đang ưu tiên giải quyết những lo ngại về an ninh năng lượng hơn các mục tiêu giảm thiểu khí thải nhằm chống biến đổi khí hậu, trong đó các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân.
Cũng tại hội nghị hôm 22/1, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tăng trưởng khí đốt của “ông lớn” ngành năng lượng BP, bà Oksana Dembitska, cảnh báo về giá LNG quá cao. Bà cho biết chính điều này đã khiến nhu cầu khí đốt sụt giảm, đặc biệt là sau khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát khiến giá LNG tăng gấp 7 lần.
Bà Dembitska cũng cho biết, BP kỳ vọng rằng châu Âu sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng của LNG trong ít nhất 20 năm nữa. Điều này đang hỗ trợ các thỏa thuận cung cấp cho khu vực này.
Kinh tế Mỹ
*Theo đa số các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đợi đến quý II/2024 mới cắt giảm lãi suất, với nhiều khả năng động thái này sẽ diễn ra vào tháng Sáu hơn là tháng Năm. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay sẽ ít hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Dự báo trung bình của các chuyên gia kinh tế cho thấy lãi suất chủ chốt của Fed ở mức 4,25% -4,50% vào cuối năm nay, tương tự tháng trước.
*Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) của Nhà Trắng, bà Lael Brainard, ngày 22/1 cho biết, sự phục hồi kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc (tăng trưởng 5,2% vào năm 2023) không có tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ do sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong những năm qua.
Phát biểu tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức, bà Brainard cho rằng các quốc gia khác ở châu Á và những quốc gia có liên quan chặt chẽ với sự phát triển của Trung Quốc sẽ cảm nhận được tác động mạnh mẽ hơn.
Kinh tế Trung Quốc
* Tại cuộc họp đầu tuần này của Quốc vụ viện, Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện hơn nữa thị trường vốn, chú ý hơn đến việc duy trì sự cân bằng giữa đầu tư và cung ứng vốn, củng cố chất lượng và giá trị đầu tư của các công ty niêm yết, tăng cường các dòng vốn trung và dài hạn vào thị trường.
Cuộc họp nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự giám sát thị trường để tạo một môi trường minh bạch. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường theo dõi các hành vi giao dịch của các nhà đầu tư chủ chốt, loại bỏ các hàng vi giao dịch bất thường, thao túng giá cổ phiếu và các hành vi vi phạm khác, cũng như xây dựng các kế hoạch để phạt và ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính.
*Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đình trệ, Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động ngoại thương của một số lĩnh vực cụ thể. Một tàu “ro-ro” chở hơn 5.000 phương tiện mới đã bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên vào tuần trước từ cảng Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc. Chuyến tàu được hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc BYD thuê đã khởi hành đến các cảng Vlissingen ở Hà Lan và Bremerhaven ở Đức.
Xuất khẩu ô tô nổi lên như một điểm sáng trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Với 4,91 triệu xe được xuất khẩu vào năm 2023, nước này dự kiến sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.
Kinh tế châu Âu
*Ngày 23/1, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis phụ trách giám sát kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này đang đối mặt với nguy cơ giá tiêu dùng tăng và tăng trưởng chậm lại do sự gián đoạn vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ.
Lưu lượng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã giảm 22% trong một tháng do ảnh hưởng của các cuộc tấn công của lực lượng Houthis tại Yemen nhằm vào các tàu đi qua tuyến vận tải biển này. Tuy nhiên, mức giảm sẽ còn lớn hơn vì các công ty vận tải đang phải chuyển hướng hải trình của các tàu vòng qua châu Phi.
*Giá năng lượng ở châu Âu dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới, do ngày càng có nhiều sản phẩm dầu mỏ và tàu chở dầu thô chuyển hướng khỏi Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Theo công ty tình báo thương mại toàn cầu Kpler, ít nhất 6 tàu chở dầu thô hiện đang đi tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi thay vì Kênh đào Suez, một sự chuyển hướng do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi gây ra và thời gian vận chuyển có thể kéo dài thêm tới 45 ngày.
*Trên kênh truyền hình Rossya 24 ngày 23/1, Đại diện toàn quyền Tổng thống Nga tại Viễn Đông Yuri Trutnev cho biết, Moscow đang thảo luận với Trung Quốc để kêu gọi nước này tham gia bảo hiểm hàng hóa cho tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga.
Ông đánh giá NSR sẽ trở thành huyết mạch vận tải mới của thế giới và hoàn toàn có thể cạnh tranh với kênh đào Suez. Tuy nhiên, hiện nhiều hãng vận tải chưa sử dụng NSR chính vì hàng hóa qua đây chưa được bảo hiểm.
* Nga đã vượt Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2023.
Theo dữ liệu hải quan công bố ngày 22/1, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã mua kỷ lục 107 triệu tấn dầu thô từ Nga trong năm 2023, nhiều hơn gần 25% so với năm trước đó và tương đương khoảng 2,15 triệu thùng mỗi ngày. Con số này cao hơn so với mức chưa đến 86 triệu tấn từ Saudi Arabia. Đây là lần đầu tiên Nga trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2018.
Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu hải quan, giá trị nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc trong năm 2023 đạt 60,6 tỷ USD, tương đương với mức giá trung bình khoảng 77 USD/thùng, cao hơn giá trần do phương Tây áp đặt với dầu Nga là 60 USD/thùng.
* Việc phát triển điện gió ngoài khơi của Đức trong năm 2023 đã đạt được những bước tiến mới, với số lượng tua-bin gió lắp đặt mới tăng gần 50% so với năm 2022. Theo đó, Đức đã lắp đặt tổng cộng 745 tua-bin gió mới với tổng công suất khoảng 3,57 gigawatt đã đi vào hoạt động trong năm 2023.
Sang năm 2024, các hiệp hội ngành dự báo công suất điện gió ngoài khơi của Đức sẽ tiếp tục tăng thêm 4 gigawatt.
*Theo một cuộc khảo sát được công ty phân tích rủi ro tín dụng S&P Global công bố ngày 24/1, hoạt động kinh tế của Anh tăng với tốc độ nhanh nhất trong bảy tháng vào tháng 1/2024, dù tình hình Biển Đỏ làm tăng thêm áp lực về chi phí sản xuất.
Chỉ số sản lượng tổng hợp của S&P Global flash UK đã tăng lên 52,5 trong tháng 1/2024 từ mức 52,1 trong tháng 12/2023, cao hơn so với dự báo 52,2 của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò. Con số này là cao nhất kể từ tháng 6/2023 và cao hơn nhiều so với mốc 50, cho thấy phần lớn các doanh nghiệp báo cáo hoạt động đang gia tăng.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục mới trong tháng 12/2023 và là mức tăng hằng tháng lớn nhất từ trước đến nay do xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tăng lần đầu tiên sau hơn một năm và doanh số bán hàng kỷ lục sang Mỹ.
Bộ Tài chính nước này cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong tháng 12/2023 đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước đó lên 9.650 tỷ Yen (65,13 tỷ USD). Con số này cao hơn so với mức tăng 9,1% mà các nhà kinh tế dự đoán trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters và sau khi đã giảm 0,2% trong tháng 11/2023.
Tính chung trong tháng 12/2023, cán cân thương mại của Nhật Bản đạt thặng dư 62,1 tỷ Yen, so với dự kiến thâm hụt 122,1 tỷ Yen trước đó.
* Kết thúc cuộc họp trong hai ngày 22-23/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ nguyên lãi suất ở mức siêu thấp, nhằm thúc đẩy tăng lương mạnh, hướng tới mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%, trong khi tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.
BoJ duy trì lãi suất vay ngắn hạn ở mức âm 0,1%, trong khi cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm biến động trong khoảng âm 1% đến 1%. Ngân hàng này không điều chỉnh chương trình mua tài sản.
* Số liệu được công bố ngày 21/1 cho thấy, năm 2023, lượng kim chi xuất khẩu của Hàn Quốc đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, trong bối cảnh các nội dung giải trí của Hàn Quốc đang ngày càng được ưa thích trên toàn cầu.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, lượng kim chi xuất khẩu đã tăng 7,1% lên 44.041 tấn trong năm 2023, vượt qua mức kỷ lục trước đó ghi nhận vào năm 2021 với 42.544 tấn. Xét về giá trị, xuất khẩu kim cho trong năm ngoái của Hàn Quốc tăng 10,5% so với năm 2022 lên 155,6 triệu USD. Kim chi là một món ăn kèm truyền thống làm từ bắp cải lên men của Hàn Quốc.
* Cơ quan khảo sát giá Korea Price Information ngày 24/1 công bố kết quả khảo sát giá cả thị trường cho thấy, chi phí chuẩn bị mâm cỗ cúng theo truyền thống năm nay của Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể.
Tính theo tiêu chuẩn của một gia đình bốn người, chi phí chuẩn bị mâm cơm cúng khi mua đồ tại chợ truyền thống là 281.500 Won (khoảng 220 USD). Nếu mua đồ tại các siêu thị lớn, chi phí này sẽ là 380.580 won, cao hơn 35,2% so với chợ truyền thống. Chi phí mua sắm năm nay tại chợ truyền thống hay tại siêu thị lớn cũng lần lượt tăng 8,9% và 5,8% so với năm ngoái.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Năm 2024, chính phủ Indonesia phân bổ 114.300 tỷ Rupiah (tương đương 7,6 tỷ USD) từ ngân sách cho an ninh lương thực, tăng 13.400 tỷ Rupiah so với năm 2023. Khoản chi này nhằm bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho 278,8 triệu dân số (tính đến năm 2023).
Trong kế hoạch ngân sách nhà nước (APBN) năm 2024, khoản ngân sách này được đưa vào chi tiêu ưu tiên của năm, cùng với ngân sách dành cho giáo dục, bảo trợ xã hội, y tế, luật pháp và quốc phòng.
* Hàng nhập khẩu vào Malaysia đang bị trì hoãn tới hai tuần do các hãng vận tải quốc tế đã định tuyến lại hành trình vận chuyển hàng hóa để tránh các cuộc tấn công có thể xảy ra ở Biển Đỏ. Điều này có thể khiến người dân nước này sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng xa xỉ nhập khẩu, như rượu vang và thực phẩm, vận chuyển từ châu Âu.
Theo dữ liệu từ Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank Malaysia (MIBG), giá cước vận chuyển container trên tuyến Á-Âu đã tăng hơn 600% kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra, khiến các nhà nhập khẩu ở Malaysia không có nhiều cơ hội để giảm chi phí. Các chuyên gia kinh tế nhận định, không thể tránh khỏi phí vận chuyển cao hơn cũng như sự chậm trễ và gián đoạn hậu cần do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ gây ra.
*Số liệu chính thức do Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại và công nghiệp (MTI) công bố ngày 23/1 cho thấy, lạm phát cơ bản của Singapore trong tháng 12/2023 đã tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn mức 3,2% ghi nhận một tháng trước đó.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng toàn phần hay lạm phát chung của nước này là 3,7% trong tháng 12/2023, cao hơn mức 3,6% của tháng 11 cùng năm.
Tính chung cả năm 2023, lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí chỗ ở và vận chuyển cá nhân) trung bình của Singapore ở mức 4,2%, cao hơn mức 4,1% của năm 2022.