Theo báo cáo của Savills, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đón 70 triệu lượt khách du lịch, đạt 63% chỉ tiêu năm 2023. Trong đó có 64 triệu lượt khách nội địa, tăng 5% theo năm và 5,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 826% theo năm.
Trong đó, khách Hàn Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất là 29% với 1,6 triệu lượt, theo sau là Trung Quốc với 10% và Mỹ với 7%.
Sau khi các đường bay quốc tế được nối lại vào tháng 3/2023, 557.000 khách Trung Quốc đã tới Việt Nam, thấp hơn 77% so với nửa đầu 2019.
Cũng theo Savills, Hà Nội đón 12 triệu lượt khách, tăng 5% theo năm và đạt 55% chỉ tiêu năm 2023. Lượng khách nội địa đạt 10 triệu lượt, tương đương 53% chỉ tiêu năm 2023.
Lượng khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, tương đương 66% chỉ tiêu năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn mức năm 2019.
Việt Nam đang cập nhật các chính sách thị thực mới để thu hút thêm khách du lịch nước ngoài. Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam sẽ nâng thời hạn của thị thực điện tử từ mức 30 ngày với giá trị một lần nhập cảnh lên 90 ngày và nhiều lần nhập cảnh.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam đánh giá: Khách quốc tế chưa hoàn toàn trở lại và khách Trung Quốc vẫn đang dưới mức năm 2019.
“Mặc dù chính sách thị thực mới sẽ hỗ trợ tăng trưởng, thị trường dự kiến chỉ phục hồi hoàn toàn sau năm 2024”, ông Troy Griffiths nói.
Trước thực trạng này, giá phòng khách sạn tại Hà Nội đã có đà hồi phục, nhưng chưa thể “lành lặn” hoàn toàn sau đại dịch COVID-19.
Báo cáo của Savills cho thấy, tổng nguồn cung khách sạn của Hà Nội đạt 10.962 phòng, tăng 7% theo quý và 10% theo năm.
Ba khách sạn với 633 phòng được xếp hạng 5 sao, trong đó có những thương hiệu quốc tế như Dolce by Wyndham Hà Nội Golden Lake và Grand Mercure Hà Nội. Một khách sạn với 133 phòng được xếp hạng 4 sao.
Riêng trong quý II/2023, công suất thuê đạt 62%, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 73% của quý II/2019. Giá thuê trung bình đạt 2,5 triệu đồng/phòng/đêm, giảm 6% theo quý nhưng tăng 26% theo năm sau khi phục hồi giảm tốc.