Mỗi ngày bán cả tấn măng cụt xanh
Chưa đầy 1 tháng, chị Thu Hà (chủ shop trái cây ở TP Thủ Đức, TPHCM) đã bán được cả chục tấn măng cụt xanh (trái non, chưa chín). Chị Hà cho hay, trào lưu làm gỏi măng cụt “bức tử” đang trở nên thịnh hành trên mạng xã hội giúp tiệm nhà chị bán hàng không kịp nghỉ.
Giá măng cụt xanh chưa gọt vỏ là 85.000 đồng/kg, còn loại gọt sẵn vỏ có giá lên đến 500.000 đồng/kg. Mỗi ngày, cơ sở của chị phải thuê 30-35 nhân công để kịp gọt 500kg đến 1 tấn măng cụt.
Đây cũng là số lượng hàng bán ra mỗi ngày của tiệm nhà chị Hà. Khách hàng mua măng cụt hầu hết đến từ các tỉnh miền Nam, đặc biệt là quanh TPHCM. Không chỉ khách mua lẻ, chị Hà còn bỏ mối cho các khách sỉ, nhà hàng trên địa bàn.
Cơ sở bán măng cụt xanh của chị Diệu (ngụ tại tỉnh Bình Phước) cũng hốt bạc vào những ngày gần đây. Theo chị Diệu, măng cụt xanh gọt sẵn, hàng loại 1 có thể lên đến 550.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá măng cụt chín chỉ từ 45-65.000 đồng/kg.
“Giá cao vậy mà người mua “ok” hết, không ngán ngại vì món này đang ‘hot’. Món gỏi măng cụt giòn, ngon, mới lạ đang lên ngôi”, chị Diệu nói.
Công đoạn chế biến kỳ công, cứ 100kg măng cụt cần thuê 4 người gọt mỗi ngày. Người làm ai nấy đều phải hì hục cắt gọt từ 6h đến tận 20h.
Là chủ vườn chuyên bỏ sỉ măng cụt “bức tử” ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chị Hoài Linh thừa nhận, giá măng cụt thời điểm này tăng cao so với ngày thường. Nguyên nhân là do đầu mùa, măng cụt còn hiếm, không gom được số lượng lớn, ồ ạt để cung cấp cho kịp. Đặc biệt, năm nay, trào lưu ăn gỏi măng cụt đang thịnh hành, tiểu thương bao gom măng cụt gọt sẵn về bán khiến loại quả này càng trở nên khát hàng.
Nhu cầu tìm mua măng cụt xanh hiện tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 1 tuần, vườn nhà chị Linh đã xuất bán 2 tạ măng cụt xanh.
“Có khách đến đặt mua một lúc 100kg, nhiều lúc tôi cũng sợ măng cụt ra trái không kịp để bán”, chị Linh chia sẻ. Trước đó, chị Linh là một trong những người đầu tiên đăng tải nội dung giới thiệu cách chế biến măng cụt xanh làm gỏi lên mạng xã hội. Chị Linh cho biết, khi vào chính vụ, măng cụt sẽ xuống giá nhiều.
“Tôi đăng tải nội dung về món gỏi măng cụt xanh để thu hút người mua. Nhiều người xem xong mới biết măng cụt sống hay chín đều ăn được. Món ăn mới lạ giúp quả măng cụt ‘hot’ rần rần, giúp người bán giữ được giá”, chị Linh nói.
Chế biến cầu kỳ
Theo chị Hà, măng cụt “bức tử” được bán với giá cao vì công đoạn gọt vỏ rất vất vả. Hơn 30 nhân công tại cơ sở của chị phải hì hục làm cả ngày, hoàn toàn thủ công, không xài được loại máy móc hỗ trợ nào.
Trong quá trình chế biến, người làm phải gọt măng cụt dưới vòi nước mở chảy liên tục để loại bỏ mủ bám trên quả. Nếu để mủ dính lên, phần ruột quả sẽ bị thâm, ăn có vị chát. Để không bị chai tay, người gọt cũng phải mang bao tay suốt nhiều giờ liền.
Mà cứ 4kg măng cụt xanh mới thu được 1kg ruột. Người bán phải lựa quả măng cụt chất lượng, có ruột trắng, trong, mỗi kg có 7-10 trái đã gọt vỏ.
Được biết, măng cụt xanh chất lượng có thể để được từ 3-5 ngày, trong điều kiện nhiệt độ thấp. Vì vậy, người mua luôn được khuyên để măng cụt trong tủ lạnh, khi dùng mới lấy ra.
Ngày nay, măng cụt xanh được dùng làm gỏi, ăn chủ yếu với thịt gà. Đây vốn là món ăn dân dã của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ruột trái măng cụt xanh được trộn với gà, ớt, nước mắm và các loại rau khác, thực sự gây “nghiện” ngay trong lần đầu thử.
Chị Trúc Tiên (ngụ tại quận 10, TPHCM) chia sẻ, vì thấy món gỏi măng cụt đang “hot” trên mạng nên chị cũng muốn thử. Ban đầu, vì thấy giá của măng cụt gọt sẵn quá cao nên chị tự mua loại nguyên vỏ về gọt.
“Nhưng mới gọt được trái đầu tiên là tôi đã thấm mệt. Đã vậy việc gọt vỏ này cũng không dễ chút nào vì phải làm dưới vòi nước chảy liên tục. Sau lần đầu thử, tôi đành mua loại măng cụt gọt sẵn cho tiện. Mà đúng là món này rất ngon, vị miếng măng cụt ngọt lại giòn rất lạ miệng, không giống như những loại gỏi tôi từng ăn”, chị Tiên nói.