Giá hồ tiêu đã liên tục tăng từ cuối năm 2023 đến nay. Dù vẫn chưa bằng thời kỳ đỉnh điểm năm 2015 – trên 200.000 đồng/kg, song đây vẫn là tín hiệu vui đối với các nông hộ trồng hồ tiêu. Hiện tại, ở khu vực Tây Nguyên, giá hồ tiêu được giao dịch ở mức từ 92 – 93 triệu đồng/tấn. Còn đối với thị trường quốc tế, những phiên giao dịch gần đây, giá hồ tiêu đen Việt Nam xuất khẩu đang ở mức 4.200-4.300 USD/tấn, hồ tiêu trắng ở mức 6.000 USD/tấn.
Giá hồ tiêu tăng, nông dân vừa mừng vừa lo |
Tín hiệu đáng mừng
Vào thời điểm này, các nông hộ trồng hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên đang thu hoạch những diện tích cuối cùng của niên vụ 2023-2024. Việc giá liên tục tăng từ đầu vụ, năng suất ổn định đang mang lại lợi nhuận cao cho người trồng hồ tiêu. Gia đình ông Vũ Đức Dân là một trong số ít hộ còn vườn hồ tiêu lớn tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) – địa phương từng được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của Việt Nam. Theo ông Dân, niên vụ này, thời tiết thuận lợi cùng với việc đầu tư theo hướng thâm canh bền vững nên năng suất bình quân vườn hồ tiêu của gia đình ông đạt khoảng 5 kg/trụ, tăng khoảng 1-1,5 kg/trụ so với vụ trước. Dự kiến vụ này, gia đình thu hoạch được khoảng 10 tấn hạt tiêu khô. Với giá thị trường hiện nay, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về được khoảng 500 triệu đồng.
Để phát triển hồ tiêu bền vững, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần đồng hành cùng nông dân |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2023, Gia Lai có 8.798 ha hồ tiêu, sản lượng đạt khoảng 28.580 tấn. Vụ thu hoạch 2024, giá hồ tiêu đang tăng trở lại đem đến nhiều kỳ vọng cho người trồng. Còn theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, hiện trên địa bàn còn khoảng 1.100 ha hồ tiêu kinh doanh. Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với giá các mặt hàng nông sản đều tăng so với những năm trước nên bà con nông dân phấn khởi. Đặc biệt, những năm qua, nhờ đầu tư canh tác theo hướng hữu cơ nên cây hồ tiêu ít bị chết và năng suất năm nay tăng cao hơn năm ngoái 1-2 tạ/ha, bình quân đạt khoảng 3 tấn/ha.
Vẫn cần thận trọng
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá hồ tiêu đang phục hồi là tín hiệu lạc quan mang đến nhiều hy vọng cho người trồng cũng như doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu. Hiện cả nước có khoảng 100.000 nông hộ trồng hồ tiêu, 200 doanh nghiệp xuất khẩu và 35 nhà máy chế biến tiêu. Nhưng theo các chuyên gia đừng thấy lợi nhuận mà ham, bởi lợi nhuận cao có thể đi kèm với rủi ro lớn. Điển hình như “cú sốc” giá hồ tiêu liên tục “lao dốc không phanh” trong những năm 2017-2020, khiến không ít người trồng tiêu bỏ vườn, bỏ rẫy, thậm chí có trường hợp tha phương kiếm sống.
Vào thời điểm năm 2015, thương lái thu mua tiêu với mức giá hơn 230.000 đồng/kg, giúp nhiều nông dân thu lợi nhuận lớn. Thế nhưng những năm sau đó, hồ tiêu đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời điểm giảm xuống dưới mức 40.000 đồng/kg (vào năm 2020) khiến người trồng tiêu phải gồng lỗ để tái đầu tư chăm sóc, duy trì sản xuất cho năm sau.
Tuy nhiên, cũng vì giá tiêu xuống thấp, nông dân không còn mặn mà trong việc đầu tư, chăm sóc nên năng suất hồ tiêu cũng sụt giảm. Tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa được kiểm soát, thị trường hồ tiêu luôn bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường. Đây chính là những nguyên nhân khiến diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai bị sụt giảm về con số dưới 10 ngàn ha như hiện nay.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nước ta hiện cung cấp khoảng 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, nhưng do diện tích suy giảm mạnh trong những năm gần đây nên sản lượng hồ tiêu trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm 2024 có thể giảm 10% so với năm ngoái xuống còn 170.000 tấn.
Trong khi đó theo dự báo của các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, trong thời gian tới, giá hồ tiêu có thể tăng thêm do nguồn cung thiếu hụt. Bởi lẽ, hiện nguồn cầu hồ tiêu đang vượt cung. Cụ thể, tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu năm 2024 dự báo ở mức 529.000 tấn, cao hơn 64.000 tấn so với sản lượng hạt tiêu dự kiến đạt được trong năm 2024.
Trước diễn biến giá tăng của hồ tiêu, các chuyên gia cho rằng, để tránh rủi ro, người nông dân cần tỉnh táo và cẩn trọng để tránh “vết xe đổ” – khi được giá thì đầu tư mạnh, trồng ồ ạt, đến khi rớt giá rơi vào cảnh trắng tay, phá sản. Vậy nên, để phát triển hồ tiêu bền vững, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp phải luôn đồng hành cùng nông dân để theo dõi sát tình hình thị trường, khuyến cáo người dân tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, khuyến khích người trồng hồ tiêu tham gia các hợp tác xã, liên kết sản xuất, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung; khuyến khích nông dân, hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị hồ tiêu…