NHNN vừa ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Theo đó, các ngân hàng được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nợ gốc và lãi của các khoản nợ vay hoặc cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày thông tư có hiệu lực ngày 24/4/2023 đến hết 30/6/2024. Đồng thời đối với những khoản vay được gia hạn nợ, NHNN cũng cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ đối với các khoản nợ đã được cơ cấu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định tại Thông tư 02 sẽ trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ tiếp tục đầu tư và sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm, góp phần tăng sức cầu nền kinh tế. Theo ông Đỗ Thanh Sơn, chuyên viên phân tích của Công ty FIDT, thông tin về giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ được thị trường đón nhận tích cực hơn cả thông tin giảm lãi suất của các NHTM. Bởi việc được giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp tục vay vốn nếu có phương án kinh doanh và đầu ra sản phẩm. Đối với các ngân hàng Thông tư 02 cũng làm giảm áp lực nợ xấu, qua đó giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro, từ đó ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế.
Trên thực tế nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian gần đây do những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng vừa công bố ghi nhận, tỷ lệ nợ xấu đều tăng lên. Nhiều NHTM chủ động tăng cường trích lập dự phòng cho các rủi ro phát sinh. Một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB hiện nay có “bộ đệm” dự phòng ở mức gấp đôi hoặc gấp ba lần quy mô nợ xấu nội bảng. Vì thế sức chống chịu trước rủi ro của ngân hàng tốt hơn, tuy nhiên áp lực trích lập dự phòng rủi ro cũng đang đè nặng lên chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh trong năm nay của các ngân hàng. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital, thời điểm hiện nay chính sách giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ của NHNN vừa ban hành chính là công cụ hữu hiệu và có tác động trực tiếp, ngay lập tức. “Khách hàng vay vốn thì có thêm thời gian 1 năm để thu xếp trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ trên hệ thống thông tin tín dụng nên có thể tiếp tục tiếp cận được các khoản vay mới. Trong khi đó, các ngân hàng chỉ phải trích lập 50% chi phí dự phòng cho các khoản nợ được cơ cấu đến hết năm 2023. Như vậy, ngân hàng và khách hàng vay vốn đều được giảm áp lực”, ông Tuấn nhận định.
Trước đó, ngành Ngân hàng đã có chính sách cho phép các tổ chức tín dụng gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 (theo các Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021). Theo số liệu thống kê, toàn hệ thống trong giai đoạn này đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng hơn 722.300 tỷ đồng, cho trên 1 triệu khách hàng, từ đó giúp cho các doanh nghiệp giảm áp lực chi phí tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 2/2023, số dư nợ cơ cấu trong giai đoạn Covid-19 những năm vừa qua chỉ còn khoảng 84.380 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, và có dòng tiền trở lại trả nợ ngân hàng và tiếp tục vay nợ mới. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cũng có khoảng thời gian đáng kể để kéo giãn chi phí trích lập dự phòng và bớt áp lực phát sinh nợ xấu.
Báo cáo của Maybank Investment Bank phát hành ngày 25/4 nhận định, các ngân hàng Việt Nam sẽ không rơi vào khủng hoảng nợ xấu như 10 năm trước và chỉ cần tối đa 1,5 năm để xử lý nợ xấu theo “kịch bản xấu”. Maybank tin tưởng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và chu kỳ sinh lời của các ngân hàng Việt Nam trong 3 – 4 năm tới sẽ không bị gián đoạn. Định giá hiện tại (1,3 lần P/B 2022 và 1,1 lần P/B năm 2023) phần lớn đã phản ánh những rủi ro tiềm ẩn trong “kịch bản xấu” do tình trạng bất ổn ngành bất động sản gây ra. “Bài học từ năm 2019 – 2022 cho thấy rằng mua và nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng chất lượng (có khả năng mang lại khoảng 18-20% ROE) ở mức định giá thấp sẽ rất xứng đáng”, bộ phận nghiên cứu và phân tích của Maybank Investment Bank khuyến nghị.